Giao dịch bất động sản chậm lại sau thông tin gói 30 nghìn tỷ đồng hết hạn
Theo khảo sát của hai công ty nghiên cứu thị trường bất động sản lớn tại Việt Nam, việc gói 30 nghìn tỷ đồng hết hạn vay, Thông tư 36 về hạn chế tín dụng vào bất động sản đang ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và sức mua của người dân.
Lượng giao dịch căn hộ chung cư mọi phân khúc đã giảm.
Theo thông tin của các hãng nghiên cứu về bất động sản (BĐS) như Savills và CBRE: việc gói 30.000 tỷ đồng tín dụng dành cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp hết hạn ngày 1.6; thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 36 với nhiều điều khoản "siết" hoạt động cho vay BĐS đã ảnh hưởng ngay tức thì đến thị trường và sức mua của người dân.
Theo đó, lượng giao dịch căn hộ chung cư mọi phân khúc đã giảm. Savills ước tính, tính đến thời điểm hiện nay, số căn đã bán đạt hơn 5.000 căn, tỷ lệ này giảm 13% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính theo Savills là do đầu năm các giao dịch nhà đất chưa hồi phục và do hiệu ứng của chính sách.
Theo công ty nghiên cứu CBRE, trong quý I vừa qua, tổng số căn hộ mở bán tại Hà Nội đạt 4.318 căn, giảm so với cùng kỳ năm trước. Hãng này cũng khẳng định, nguyên nhân khiến phân khúc căn hộ giao dịch giảm là do hiệu ứng tiêu cực của các chính sách về hạn chế tín dụng vào bất động sản như: các quy định về tăng hệ số rủi ro cho vay BĐS tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước; hiệu ứng của việc ngừng cho vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và thu nhập thấp...
"Những thay đổi này, đã, đang và sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư, và người mua, nhất là khi huy động vốn hiện chủ yếu vẫn thông qua kênh tín dụng ngân hàng", đại diện Savills bình luận.
Ngày 2.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý đề nghị gia hạn thời gian giải ngân gói cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, Thủ tướng chỉ đạo NHNN, Bộ Xây Dựng và các doanh nghiệp cho vay và giải ngân hết số tiền 30.000 tỷ đồng cho người dân, trước đó theo quy định gói 30.000 tỷ đồng sẽ hết hạn vay từ 1.6.2016.
Tuy nhiên, sau khi có nhiều thông tin của dư luận, chuyên gia và các DN về số dư chưa được giải ngân hết, NHNN đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Về Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN với những nội dung hạn chế tín dụng chảy vào BĐS như: hạn chế dùng tiền vay ngắn hạn để cho vay dài hạn, tăng hệ số rủi ro trong hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với BĐS từ 150% lên 250%, theo đánh giá của các chuyên gia, trong khi ngành BĐS phụ thuộc lớn vào vay ngân hàng và huy động trong dân nên việc "siết" tín dụng này sẽ có tác động lớn đến thị trường, người dân.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây Dựng: "Đây là một trong những chính sách sẽ có tác động rất trực tiếp vào thị trường trong thời gian tới, có thể khiến ngành quay trở lại thời kỳ phát triển chậm".
Về dư nợ tín dụng cho BĐS, ông Nam cho biết: "Năm 2010, tổng dư nợ tín dụng vào ngành bất động sản đạt 360.000 tỷ đồng, đến năm 2015, tổng dư nợ đạt 390.000 tỷ, tăng chỉ 30.000 tỷ đồng, thực chất chỉ tăng chưa đến 10%. Lấy đâu ra nợ xấu, làm gì có tăng trưởng nóng. Trong khi DN, người dân chủ yếu nhờ vốn tín dụng để xây nhà, mua nhà".
Theo Nguyễn Tuyền (Dân trí)