Khó kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) là một trong 3 thách thức lớn của công tác dân số hiện nay. Bình Định đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong kiểm soát MCBGTKS.
Tình trạng MCBGTKS của nước ta xuất hiện muộn hơn nhưng tốc độ nhanh hơn. Tại Bình Định, năm 2012, trong số 18.226 trẻ được sinh ra có 8.581 trẻ em gái, tỉ số giới tính khi sinh là 112,4 nam/100 nữ.
Nỗ lực “giảm nhiệt”
Có thời điểm tỉ số giới tính khi sinh của tỉnh ta ở mức trên 120/100. Năm 2009, Bình Định được hỗ trợ triển khai đề án “Can thiệp giảm thiểu MCBGTKS” nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng, tiến tới ổn định tỉ số giới tính khi sinh. Đến nay, đề án đã phủ kín 11/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Tỉ số giới tính khi sinh của huyện Tuy Phước ở mức 111-114/100. Đến nay, huyện vẫn tiếp tục duy trì sinh hoạt 13 Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ 3. Theo bà Đỗ Thị Thu, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tuy Phước, các hoạt động truyền thông, vận động được triển khai thường xuyên. Riêng năm 2012, ngành Y tế tổ chức nói chuyện chuyên đề về giới và MCBGTKS cho hơn 500 cán bộ, nhân dân. Đồng thời phối hợp LĐLĐ huyện tổ chức 3 buổi truyền thông cho 200 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các công đoàn cơ sở; 400 công nhân của Công ty TNHH Thuận Thiên, Công ty TNHH Viễn Thông, Công ty TNHH Thế Vũ; 13 câu lạc bộ của Hội Nông dân.
Các hoạt động truyền thông, vận động được triển khai hiệu quả đã giúp huyện Phù Cát ổn định dần đà tăng của MCBGTKS. Năm 2010, tỉ số này của huyện là 119/100, đến năm 2011 giảm còn 115/100 và cuối năm 2012 đạt bình quân chung của tỉnh 112/100. Một số xã, thị trấn trong huyện có tỉ số này dưới 107/100, như: Cát Hanh, Cát Tiến, Cát Minh, Cát Hải, Cát Nhơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Phạm Ngọc Trình cho rằng, các hoạt động kiểm soát MCBGTKS tại địa phương có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Các xã, thị trấn đã hỗ trợ thêm kinh phí để tổ chức, triển khai các mô hình tuyên truyền, vận động phù hợp.
Bài toán khó
Ngành Y tế đặt mục tiêu đến năm 2015, sẽ kìm hãm tỉ số giới tính khi sinh ở dưới mức 115 nam/100nữ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ, mục tiêu phải phấn đấu quyết liệt mới khả thi. “Tỉ số giới tính khi sinh của Bình Định cao hơn so với cả nước, nên rất đáng để quan tâm. Phải được xem là “điểm nóng” về tình trạng MCBGTKS, nên chúng tôi đang nỗ lực để khống chế thực trạng này”, ông Quang nhấn mạnh.
“Đảm bảo cân bằng giới tính khi sinh là một trong những chỉ tiêu rất quan trọng để nâng cao chất lượng DS, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Tâm lý ưa thích con trai ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân Việt Nam, để thay đổi phải làm từng bước, huy động cả hệ thống chính trị và thực hiện đồng bộ các giải pháp: tuyên truyền, vận động; kiểm tra, giám sát thường xuyên; triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao vị thế phụ nữ, góp phần thực hiện bình đẳng giới… Kế hoạch năm nay của đề án sẽ đưa các nội dung liên quan đến MCBGTKS vào chương trình giảng dạy cho học viên của các trường Chính trị tỉnh”.
Ông NGUYỄN VĂN QUANG, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ
Việc phải có con trai vẫn tồn tại trong tâm lý của người dân Việt Nam. Khoa học tiến bộ, việc lựa chọn giới tính không quá khó, cộng với việc thực thi luật pháp trong lựa chọn giới tính thai nhi chưa nghiêm… khiến tình hình MCBGTKS ngày càng tăng.
Tại huyện Phù Cát, trên 40% số xã có tỉ số giới tính khi sinh vượt ngưỡng. Khảo sát thực tế cho thấy, đại bộ phận người dân còn chịu ảnh hưởng tư tưởng xem trọng con trai hơn con gái; các xã vùng biển nặng về con trai để đi biển. Trong khi đó, việc lợi dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để “canh” con trai ngày càng nhiều.
MCBGTKS chưa tạo nên bức xúc ở hiện tại, nhưng sẽ trở thành vấn đề nghiêm trọng sau khoảng 20-30 năm nữa. Tuy nhiên, việc kiểm soát, can thiệp giảm thiểu MCBGTKS rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do nhiều cấp, ngành, địa phương coi công tác DS-KHHGĐ là của riêng ngành Y tế. Một số hoạt động trong đề án như khuyến khích các gia đình chỉ có 2 con gái, hoặc hỗ trợ tạo điều kiện để các học sinh nữ thuận lợi hơn trong việc học tập và lao động chưa được thực hiện. Quy định cấm tiết lộ giới tính thai nhi, loại bỏ thai nhi vì giới tính, nhưng trên thực tế đã bị “bỏ quên”, hoặc phớt lờ.
Ngoài nỗ lực của địa phương, ông Trình đặt mạnh nội dung về MCBGTKS trong Nghị quyết HĐND tỉnh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động phối hợp liên ngành của tỉnh trong thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, cửa hàng kinh doanh sách báo, văn hóa phẩm, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ, động viên các gia đình sinh con một bề là gái, tổ chức các hội nghị biểu dương, khen thưởng.