Ngày Sức khỏe thế giới 2016 (7.4): Đẩy lùi bệnh đái tháo đường
Nhân ngày Sức khỏe thế giới năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi mọi người chung tay chống lại bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Không phải ngẫu nhiên mà căn bệnh không lây nhiễm này được quan tâm đặc biệt giữa lúc các dịch bệnh mới nổi đang là mối lo của ngành Y toàn cầu.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Vũ, Trưởng khoa Nội tiết (BVĐK tỉnh), ĐTĐ là một bệnh mãn tính, có yếu tố di truyền, do hậu quả của tình trạng thiếu insulin tuyệt đối hoặc tương đối gây nên. Bệnh được đặc trưng bởi tình trạng tăng đường huyết cùng các rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ và các chất khoáng. Các rối loạn này có thể đưa đến các biến chứng cấp tính, các tình trạng dễ nhiễm trùng và về lâu dài sẽ gây ra các biến chứng ở mạch máu lớn và mạch máu nhỏ. Biến chứng của bệnh dẫn đến tàn phế, ảnh hưởng khả năng lao động và chất lượng sống cũng như chi phí điều trị trở thành gánh nặng cho xã hội và mỗi bệnh nhân. Đáng chú ý, lượng bệnh nhân phát hiện mới không ngừng tăng lên.
Khám sàng lọc cho đối tượng có nguy cơ mắc ĐTĐ tại BVĐK TP Quy Nhơn.
● Cụ thể, tình hình mắc bệnh và điều trị ĐTĐ có những điểm nào đáng lo ngại, thưa bác sĩ?
- Dữ liệu của WHO cho thấy tỉ lệ thương tật và tử vong từ các bệnh lây nhiễm giảm theo từng năm, trong khi đó tỉ lệ này ở nhóm bệnh không lây nhiễm, bao gồm ĐTĐ, đang tăng đều.
ĐTĐ đang gia tăng đáng kể ở Việt Nam. Liên đoàn ĐTĐ thế giới báo cáo tỉ lệ lưu hành của bệnh trên dân số Việt Nam là 4% năm 2012; tức là có khoảng 4 triệu người mắc trên 90 triệu dân. Thêm vào đó, tỉ lệ chẩn đoán và điều trị còn rất khiêm tốn. Chỉ có 33,4% bệnh nhân ĐTĐ được chẩn đoán, 56,3% bệnh nhân đã được chẩn đoán nhưng chưa điều trị. Hội Nội tiết và ĐTĐ Việt Nam dự đoán tỉ lệ lưu hành bệnh ĐTĐ ở Việt Nam sẽ tăng thêm 1,2% trước năm 2018.
Bình Định cũng không nằm ngoài quy luật đó, với lượng bệnh nhân mắc bệnh có xu hướng gia tăng. Trong quý I.2016, có 984 bệnh nhân ĐTĐ điều trị nội trú và ngoại trú tại BVĐK tỉnh, tăng 242 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015.
● Thời gian gần đây, bên cạnh các yếu tố nguy cơ đã biết, người ta thường nhắc đến những vấn đề mới nảy sinh góp phần làm tăng bệnh nhân ĐTĐ. Xin bác sĩ phân tích rõ hơn về vấn đề này?
- Như chúng ta đã biết, các yếu tố nguy cơ ÐTÐ bao gồm: tuổi trên 45; tiền sử gia đình có người trực hệ (bố, mẹ, anh, chị, em) mắc bệnh; người bị tiền ÐTÐ; tăng huyết áp (>=140/90 mmHg); rối loạn chuyển hóa mỡ máu; thừa cân, béo phì; tiền sử ÐTÐ thai nghén và sinh con nặng hơn 4kg; hội chứng buồng trứng đa nang.
Bên cạnh đó, tỉ lệ ÐTÐ tăng nhanh ở các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển là do sự thay đổi về lối sống theo hướng ít hoạt động thể lực, thói quen ăn uống nhanh, giàu năng lượng, ít chất xơ. Ở nước ta hiện có các vấn đề dinh dưỡng mới nảy sinh như thừa cân, béo phì; chuyển từ chế độ ăn uống khẩu phần nghèo nàn, đơn điệu sang khẩu phần ăn đa dạng, có nhiều thức ăn động vật, nhiều chất béo, thức ăn chế biến sẵn. Trước năm 1995, béo phì chưa là vấn đề sức khỏe ở Việt Nam, nhưng năm 2005 tỉ lệ thừa cân - béo phì đã là 16,3%. Béo phì - với đặc trưng là béo trung tâm - được xem là nguyên nhân gây ÐTÐ týp 2.
● ĐTĐ là bệnh cần sự quan tâm chăm sóc liên tục, bản thân người bệnh rất cần được trang bị kiến thức và kỹ năng để tự chăm sóc và điều trị. Thế nhưng, vẫn có không ít bệnh nhân phạm sai lầm trong quá trình chữa bệnh. Bác sĩ có thể cho biết đâu là những sai lầm phổ biến nhất?
Ngày Sức khỏe thế giới được tổ chức vào ngày 7.4 hằng năm, nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe trên toàn cầu. Đây cũng là ngày kỷ niệm thành lập WHO, và là cơ hội vận động toàn cầu cho một vấn đề y tế công cộng nhất định.
- Đầu tiên phải kể đến quan niệm không cần kiểm tra đường huyết thường xuyên vì bệnh nhân cho rằng cơ thể vẫn khỏe mạnh. Mức đường huyết quá cao hoặc quá thấp là rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tai biến, hôn mê và thậm chí tử vong. Thứ hai là ăn kiêng quá mức- nhiều bệnh nhân ĐTĐ cho rằng nên ăn ít, thậm chí không ăn hoàn toàn đối với tinh bột, hoa quả chín vì trong đó có nhiều đường sẽ làm tăng đường huyết. Tình trạng này khiến cơ thể thiếu dưỡng chất, suy dinh dưỡng, thúc đẩy nhanh biến chứng của ĐTĐ. Ngược lại, có người lại cho rằng, có thể ăn bất cứ thứ gì bạn muốn vì đã có thuốc kiểm soát đường huyết. Bệnh nhân sử dụng thuốc, không có nghĩa là có thể có một chế độ ăn không lành mạnh, vì những gì bệnh nhân ăn ảnh hưởng trực tiếp tới tác dụng của thuốc và số lượng thuốc mà bệnh nhân cần.
Cũng có trường hợp quá bi quan, cứ nghĩ khi tiêm insulin có nghĩa bệnh đã vào giai đoạn cuối. Nếu sử dụng insulin đường tiêm, điều đó không có nghĩa là thất bại với điều trị, đó chỉ là bệnh nhân cần một phương pháp điều trị khác để tiếp tục giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Ví dụ, các trường hợp bệnh nhân ĐTĐ týp 2 đang dùng thuốc uống mà bị nhiễm trùng nặng hoặc có thai thì phải tiêm insulin, sau đó chuyển sang dùng lại thuốc uống nếu tình trạng ổn định.
● Xin cảm ơn bác sĩ.
NGUYỄN VĂN TRANG
(Thực hiện)