Cuộc chơi lớn với TPP
Có thể nói với cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) rất cao, Việt Nam sẽ phải đối mặt những khó khăn khi tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, đây là luật chơi, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập các thị trường tiềm năng lớn trên thế giới... Vì vậy, tuân thủ luật chơi chung về SHTT có vai trò sống còn.
Theo tính toán của các tổ chức nghiên cứu thế giới, TPP sẽ có tác động mạnh vào nền kinh tế của các nước thành viên, ước tính các nước thành viên sẽ có mức tăng trưởng GDP từ 8% - 10% vào năm 2030. Một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền SHTT, trong đó thực thi quyền SHTT được đặc biệt chú trọng, bao gồm các nội dung chính: Bảo hộ nhãn hiệu không ít hơn 10 năm và loại bỏ các rào cản đối với việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; Kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên 70 năm và thực thi quyền bao gồm cả khả năng bị truy tố hình sự; Yêu cầu về biện pháp thực thi đối với các bí mật thương mại; Bảo hộ dữ liệu bí mật phải nộp để đăng ký thuốc (ít nhất 10 năm cho hóa chất nông nghiệp và 5 - 8 năm cho dược phẩm); Đền bù thời hạn bảo hộ nếu chậm trễ trong thủ tục cấp bằng độc quyền sáng chế…
Việt Nam sẽ phải đối mặt những khó khăn khi tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Với thực tế này, Cục SHTT chỉ ra những thách thức cho Việt Nam khi tham gia vào TPP. Trước tiên là với doanh nghiệp: Thời gian bảo hộ càng dài thì thời điểm xã hội được tự do sử dụng sản phẩm càng muộn. Trong thời hạn bảo hộ, giá sản phẩm đương nhiên đắt. Đối với doanh nghiệp, giá công nghệ, kể cả phần mềm máy tính, bí quyết kỹ thuật là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Hơn nữa, chế độ thực thi khiến doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm nhiều đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.
Còn với Nhà nước, cam kết về SHTT trong TPP đòi hỏi sự đầu tư lớn về mọi mặt, như cải cách hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật SHTT. Không chỉ phải sửa đổi các quy định pháp luật cụ thể, mà còn phải tính tới sự chuyển dịch cơ chế phạt hành chính sang phạt hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT; tăng cường năng lực của các cơ quan nhà nước (Cục SHTT, Cục Bản quyền tác giả) và các cơ quan thực thi, đặc biệt là hải quan và tòa án phải được trang bị năng lực cần thiết, từ hạ tầng kỹ thuật đến thượng tầng thông tin và đội ngũ cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ. Ngay đối với Cục SHTT, việc tham gia TPP cũng tạo ra rất nhiều thách thức trong công tác thẩm định nhãn hiệu, sáng chế cũng như các công việc khác...
Và quan trọng hơn là thực hiện các chính sách kinh tế, xã hội chống tác động tiêu cực của chế độ bảo hộ SHTT mới. Điều này cần hiểu theo cách: Chính sách y tế, để bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc với giá cả hợp lý cho toàn dân; chính sách nông thôn, để bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp với giá cả hợp lý cho bà con nông dân, đặc biệt là những người làm kinh tế gia đình tự sản, tự tiêu; chính sách văn hóa - giáo dục, để bảo đảm khả năng tiếp cận các sản phẩm sáng tạo mới về văn hóa - giáo dục. Thúc đẩy, hỗ trợ việc sớm tiến hành thủ tục xác lập quyền đối với chỉ dẫn địa lý trong nước và ở các thị trường tiềm năng để tránh bị người khác đăng ký nhãn hiệu…
“Trong thời gian tới, để phù hợp với các cam kết trong TPP, Việt Nam sẽ phải rà soát, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật về SHTT, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến sáng chế, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, quyền tác giả và các vấn đề về thực thi quyền SHTT (theo đó, tiếp tục xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính và tăng cường thực thi quyền bằng biện pháp dân sự, hình sự, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số). Với yêu cầu đó, Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền SHTT đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Trần Việt Thanh nhấn mạnh
TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Các thành viên từng bước sẽ giảm và loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan. Các vấn đề được nêu ra gồm quyền SHTT, luật đầu tư nước ngoài, tiêu chuẩn môi trường và lao động, chính sách thu mua, cạnh tranh và công ty quốc doanh, quy trình xử lý tranh chấp. TPP sẽ bao phủ 40% kinh tế toàn cầu, bao gồm khoảng 800 triệu dân và bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm, chiếm 26% lượng hàng hóa trung chuyển trên thế giới
Theo TẤN BA (SGGPO)