Tỉnh táo, không để doanh nghiệp bán hàng đa cấp dụ dỗ, lôi kéo
Ngày 6.4, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) được tiếp thị trực tiếp tại nơi ở, nơi làm việc… Vì vậy, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, giám sát. Ông Nguyễn Thanh Hải cũng khuyến nghị người dân cần tỉnh táo, không để doanh nghiệp BHĐC lôi kéo.
- Đã có bao nhiêu công ty BHĐC vi phạm bị xử lý, thưa ông? - Trong quý I-2016, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã kiểm tra 5 doanh nghiệp, xử phạt 2 doanh nghiệp BHĐC là Công ty TNHH My Fortuna và Công ty cổ phần Thương mại Lotus Việt Nam, với tổng số tiền 143 triệu đồng. Mới nhất, Thanh tra sở xử phạt Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam, với số tiền 420 triệu đồng, do vi phạm 9 lỗi, như không thông báo với Sở Công thương sau khi sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC; không thực hiện việc giám sát thường xuyên hoạt động của người tham gia BHĐC; kinh doanh theo phương thức đa cấp đối với hàng hóa chưa đăng ký...
Một buổi hội thảo bán hàng đa cấp (ảnh minh họa).
- UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu tăng cường quản lý hoạt động BHĐC trên địa bàn thành phố. Sở Công thương triển khai nhiệm vụ này như thế nào? - Ngay từ cuối năm 2015, Sở đã ban hành kế hoạch năm 2016 thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn. Sở đã yêu cầu Chi cục QLTT giám sát, kiểm tra theo thẩm quyền. Hiện, Chi cục QLTT tiếp tục giám sát hoạt động đối với Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Con đường Việt (tại số 6, Ngách 43, Ngõ 337, đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy), đã bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và Công ty TNHH Phát triển thương mại Rồng Việt (tại LK 5A-66, Làng Việt kiều Châu Âu, Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông), đã ngừng các hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đăng ký này. - Quá trình kiểm tra các công ty BHĐC, lực lượng chức năng gặp khó khăn gì, thưa ông? - Hoạt động BHĐC được thực hiện thông qua hệ thống người tham gia, hàng hóa được họ tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc… Vì vậy, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, giám sát nội dung. - Hiện có những doanh nghiệp lợi dụng BHĐC để huy động tài chính trái pháp luật, Sở Công thương có hình thức xử lý như thế nào? - Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, lừa đảo, Sở sẽ chuyển hồ sơ sang Công an thành phố xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Người dân không nên tham gia các hoạt động BHĐC đối với các doanh nghiệp nêu trên; đồng thời, cung cấp thông tin cho Sở Công thương và cơ quan công an để điều tra, xử lý. - Cơ quan quản lý nhà nước về BHĐC có khuyến cáo gì để người dân không "sập bẫy" BHĐC bất chính? - Người dân không nên tin những hứa hẹn làm giàu nhanh chóng mà không phải lao động. Khi được mời mọc, cung cấp thông tin sai lệch, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính, trả lãi theo đa cấp, hoặc yêu cầu phải đặt cọc… tốt nhất người dân không nên tham gia. Mặt khác, người dân cũng nên chủ động nghiên cứu các quy định của pháp luật để tránh bị các doanh nghiệp BHĐC bất chính dụ dỗ, lôi kéo. - Cảm ơn ông về nội dung trao đổi!
Theo Thanh Hiền (HNMO)