Tinh giản biên chế: Tuyệt vời Quảng Ninh!
Trong khi hầu hết các địa phương còn ì ạch trong việc tinh giản biên chế thì tỉnh Quảng Ninh đã “thẳng tay” giảm 1.605 công chức – viên chức và hợp đồng lao động, tiết kiệm được gần 300 tỉ đồng.
Phát hiện nhiều yếu kém, bất cập của đội ngũ lao động trong bộ máy nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn thực hiện đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25).
Đoàn cán bộ tỉnh Gia Lai học tập kinh nghiệm cải cách hành chính tại Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ninh
Mạnh dạn sắp xếp, tinh gọn
Ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết tỉnh đã rà soát toàn hệ thống chính trị về tổ chức bộ máy, biên chế. “Địa phương đã mạnh dạn sắp xếp, tinh gọn bộ máy; sáp nhập các cơ quan, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ hoặc chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo hướng một chức năng, một nhiệm vụ chỉ có một người hoặc một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm” – ông Đọc nói.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, mô hình đổi mới của Quảng Ninh được đánh giá là phù hợp xu hướng phát triển của đất nước trong thời gian tới, làm tốt 3 mục tiêu: Tinh giản bộ máy, bảo đảm sự giám sát của người dân đối với các tổ chức Đảng và đảng viên, tiết kiệm nguồn lực cũng như sự đóng góp của người dân.
Đánh giá về đề án này, ông Vũ Hồng Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết sau một thời gian thí điểm, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai rộng khắp mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND. Cụ thể, bí thư đồng thời là chủ tịch UBND huyện Cô Tô và Tiên Yên; bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND cấp huyện; kiêm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cấp huyện, như: trưởng Ban Dân vận kiêm chủ tịch Ủy ban MTTQ, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra, trưởng Ban Tổ chức kiêm trưởng Phòng Nội vụ, Chánh Văn phòng Huyện ủy kiêm Chánh Văn phòng HĐND và UBND ở hầu hết các thành phố, huyện, thị xã trong tỉnh. Cùng với các cơ quan cấp huyện, mô hình nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cũng được thực hiện quyết liệt ở các xã, thôn trong toàn tỉnh.
Chỉ sau một năm thực hiện Đề án 25, toàn tỉnh đã giảm được 1.605 công chức, viên chức; cắt chi trả phụ cấp thường xuyên đối với 18.919 người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở (gồm hàng ngàn tổ trưởng dân phố, trưởng khu dân cư…); giảm 2 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 118 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở - ban – ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương… Hiệu quả từ đề án này đã tiết kiệm chi thường xuyên được gần 300 tỉ đồng/năm và hàng trăm tỉ đồng từ cơ sở vật chất.
Nhiều nơi giảm… cho có
Hiệu quả từ tỉnh Quảng Ninh cho phép đánh giá công tác giảm biên chế còn quá ì ạch tại rất nhiều tỉnh, thành khác mặc dù Chính phủ đã kiên quyết yêu cầu tinh giản bộ máy cán bộ, công chức, viên chức.
Theo thông tin từ Sở Nội vụ Đà Nẵng, trong năm 2015, TP này cũng chỉ tinh giản được 53 biên chế, thấp hơn nhiều so với số lượng bình quân hằng năm cần thực hiện để bảo đảm tinh giản 10% biên chế tại các cơ quan, đơn vị theo kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP Đà Nẵng giai đoạn 2015-2021. Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong năm qua cũng chỉ giảm được 80 biên chế. Trong đó, khối hành chính 23 trường hợp, khối sự nghiệp 56 và khối doanh nghiệp 1 trường hợp.
Tỉnh Quảng Bình cũng đã lập đề án giảm biên chế 2 lần. Theo ông Trần Đình Doan – Trưởng Phòng Công chức – Viên chức, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Bình – đợt đầu tiên thực hiện vào tháng 7-2015, giảm được 98 người và đợt 2 vào đầu năm 2016, giảm được 95 người.
Sau cả năm “nỗ lực”, Cần Thơ chỉ giảm được 40 người. Thế nhưng, TP này lại hứa trong những năm sắp tới sẽ giảm mỗi năm khoảng 300 biên chế. Dù sao con số trên cũng “hoành tráng” hơn Hà Nội, từ tháng 8-2015 đến tháng 2-2016, chỉ giảm được… 20 người.
Nói về nguyên nhân của vấn đề này, một lãnh đạo Thành ủy Hà Nội thừa nhận tinh giản biên chế của TP vấp phải một số khó khăn, như việc xây dựng đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp tiến độ còn chậm; cơ cấu công chức, viên chức chưa hợp lý; công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức chưa chỉ rõ được số chưa hoàn thành nhiệm vụ; còn tình trạng nể nang, né tránh; do một số cán bộ, công chức năng lực chuyên môn không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ…
TP HCM: Không rào cản, không ngoại lệ
Tại TP HCM, Sở Nội vụ cũng đã có Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021. Theo đó, trong 7 năm, TP sẽ tinh giản 13.927 biên chế - khối hành chính là 1.311 người và khối sự nghiệp 12.616 người. Việc tinh giản biên chế nhằm đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức, đơn vị những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không phù hợp với vị trí việc làm; xây dựng bộ máy gọn nhẹ, hợp lý, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Lê Văn Làm khẳng định việc giảm biên chế là công bằng, kể cả chủ tịch quận, huyện, giám đốc sở - ngành, phó trưởng phòng các sở - ngành trở lên cũng thế. “Không có đối tượng nào ngoại lệ trong vấn đề này. Ai không hoàn thành nhiệm vụ đều là đối tượng tinh giản, thậm chí tiến sĩ – thạc sĩ không làm được việc cũng sẽ bị tinh giản.” – ông Làm nhấn mạnh.
Theo NLĐ