Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Góp phần quảng bá nghệ thuật tuồng
Từ trước đến nay, việc bảo tồn, quảng bá nghệ thuật tuồng trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn chú trọng đầu tư kinh phí cho Nhà hát tuồng Đào Tấn, cũng như nỗ lực gìn giữ của các đoàn tuồng không chuyên. Ngoài ra, nghệ thuật tuồng Bình Định còn được lồng ghép giới thiệu trong các hình ảnh, clip quảng bá về du lịch…Tuy nhiên, còn một kênh quảng bá nữa đó chính là đưa các đạo cụ đặc sắc của tuồng vào trưng bày ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Qua đó tạo nên một kênh tiếp cận, giới thiệu về nghệ thuật tuồng Bình Định với khách tham quan trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là đối tượng khách nước ngoài.
Gian trưng bày mặt nạ tuồng tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quảng bá tuồng thông qua việc trưng bày, ngay từ năm 2000 Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã bắt đầu chú trọng sưu tầm các hiện vật đạo cụ tuồng. Ban đầu là sưu tầm, đặt hàng một số bộ trang phục đặc trưng của tuồng Bình Định, các binh khí trong tuồng, mũ mão, râu, hia… Đến năm 2012, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tiến hành đặt hàng bộ sưu tập những mặt nạ tuồng đặc trưng phong cách Bình Định của Nhà hát Tuồng Đào Tấn. Với bộ sưu tập này, Bảo tàng đã sưu tập khá toàn diện về tuồng Bình Định để giới thiệu đến khách tham quan.
Năm 2014, nghệ thuật tuồng Bình Định đã được Bộ VH, TT & DL xếp hạng là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, điều đó càng góp phần khẳng định vị thế của tuồng trong dòng chảy văn hóa xứ Nẫu. Do đó, việc quảng bá, bảo tồn những giá trị của tuồng trong đời sống văn hóa hiện nay cần được quan tâm nhiều hơn. Trong tương lai gần, khi cơ sở vật chất cho phép, tại gian trưng bày về tuồng Bình Định của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh nên tổ chức chiếu một số trích đoạn tuồng kinh điển, các vai diễn đặc sắc, lúc đó, việc quảng bá càng thêm sinh động và hiệu quả.
NGUYÊN VIỆT