Chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa: Hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất
Thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, qua đó đã góp phần hạn chế được rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Lợi ích nhiều mặt
Theo Sở NN&PTNT, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng để tái cơ cấu trên lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tại xã Cát Tài, Cát Hải (huyện Phù Cát), ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã quy hoạch cụ thể vùng chuyển đổi, tư vấn cho nông dân lựa chọn các loại cây trồng phù hợp; hướng dẫn nông dân áp dụng các công thức luân canh, xen canh và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)... đã giảm được chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Riêng tại xã Cát Tài, từ năm 2013 đến nay, nông dân đã chuyển đổi 874 ha đất sản xuất 1 vụ đậu phụng xen ớt, 1 vụ bắp lai xen mè, 1 vụ rau, cho thu nhập 120 - 150 triệu đồng/ha/năm.
Nông dân xã Ân Phong (Hoài Ân) chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa thiếu nước tưới sang trồng bắp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.SỸ
Ông Lê Bá Danh, ở thôn Thái Phú, xã Cát Tài, cho biết: Hầu hết bà con nông dân trong thôn đều không còn độc canh cây lúa. Riêng gia đình tôi có 8 sào đất sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang trồng 1 vụ đậu phụng và bắp. Riêng vụ Hè Thu năm 2015, tôi sản xuất 8 sào đậu phụng L14, năng suất đạt 3,5 tạ/sào, thu nhập trên 28 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với sản xuất lúa.
Nhiều phương thức thâm canh, luân canh mới cũng đã được nông dân các địa phương khác áp dụng có hiệu quả. Tại Tây Giang, thị trấn Phú Phong (Tây Sơn); Phước Hiệp (Tuy Phước) nông dân đã áp dụng phương thức canh tác: 1 vụ đậu phụng, 1 vụ dưa leo, 1 vụ khổ qua hoặc 1 vụ đậu phụng, 2 vụ hành, thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Từ năm 2013 đến vụ Đông Xuân (ĐX) 2015-2016, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 8.672 ha đất lúa và 4.447 ha đất sản xuất hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn, như bắp, đậu phụng, ớt... Qua quá trình sản xuất, các địa phương đã xây dựng được nhiều phương thức luân canh, xen canh phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều địa phương đã xây dựng cánh đồng liên kết “4 nhà”, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là tiền đề để tỉnh ta thực hiện có hiệu quả công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Bình Định là một trong những địa phương ở khu vực duyên hải miền Trung chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu. Do vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai, đảm bảo hiệu quả sản xuất. Chủ trương của tỉnh là đến năm 2020 ổn định diện tích lúa khoảng 90.700 ha, tập trung thâm canh để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng, nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Mặt khác, đẩy mạnh chuyển đổi những diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm kém hiệu quả sang sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu/năm, hoặc 1 vụ lúa/2 vụ màu/năm; đồng thời hướng dẫn nông dân áp dụng các phương thức xen canh, luân canh, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với công nghiệp chế biến.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch vùng sản xuất 2 vụ lúa/năm và 3 vụ lúa/năm đảm bảo nước tưới, hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo ngon, có thị trường tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Bên cạnh đó, rà soát các diện tích sản xuất lúa bấp bênh, kém hiệu quả trên chân 3 vụ lúa/năm để thực hiện chuyển đổi sang cơ cấu 2 lúa, 1 màu, hoặc 1 lúa, 2 màu tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương và chân đất. Những diện tích lúa thường bị thiếu nước tưới vào cuối vụ cũng sẽ được chuyển sang sản xuất các loại cây trồng cạn, tùy điều kiện đất đai của từng vùng để lựa chọn cây trồng phù hợp. Sở NN&PTNT sẽ xác định các loại cây trồng cạn là thế mạnh của từng vùng, có triển vọng về thị trường để bố trí chuyển đổi, đẩy mạnh sản xuất theo hướng thâm canh, hiệu quả, hướng đến sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GAP.
Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trong và ngoài tỉnh tiếp tục khảo nghiệm, sản xuất thử các giống cây trồng mới có triển vọng ở các vùng sinh thái để lựa chọn bổ sung vào cơ cấu cây trồng của tỉnh. Mặt khác, mở rộng liên doanh, liên kết, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lúa giống, bắp, và đưa nhanh giống cây trồng mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy trình sản xuất cây trồng cạn trên đất lúa phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay.
Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng sẽ tổ chức ngành hàng sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo nhiều hình thức. Tăng cường công tác thông tin kết nối thị trường để hỗ trợ nông dân tiếp cận với DN, thị trường và ngược lại. Mặt khác, thực hiện tốt Quyết định số 20/2015/QĐ-UBND ngày 6.8.2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và chính sách hỗ trợ phát triển giống cây trồng giai đoạn 2016-2020 của tỉnh.
PHẠM TIẾN SỸ