Khách hàng sẽ trở thành cổ đông của Co.opmart
Saigon Co.op, chủ hệ thống chuỗi siêu thị Co.opmart đã chính thức thành lập Hợp tác xã tiêu dùng mà những khách hàng của Co.opmart sắp tới đây đều có thể tham gia góp vốn vào để trở thành người chủ của chuỗi siêu thị này.
Khách hàng đang mua sắp tại siêu thị Co.opmart
Thông tin này được ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op chia sẻ với phóng viên báo chí ngày 7.4, nhân dịp Saigon Co.op chuẩn bị một loạt hoạt động để kỷ niệm 20 năm thành lập chuỗi siêu thị Co.opmart.
Theo ông Đức, đây là mô hình hợp tác xã tiêu dùng đầu tiên tại Việt Nam được triển khai với quy mô lớn, thể hiện tinh thần "gắn kết và chia sẻ với lòng tận tâm phục vụ" của Co.opmart.
Với vốn điều lệ đăng ký 30 tỉ đồng, các khách hàng thành viên và có thẻ VIP của Co.opmart hiện nay sẽ được tham gia góp vốn hợp tác xã tiêu dùng Saigon Co.op, trở thành xã viên - người chủ của Co.opmart. Mức vốn góp là từ 100.000 đến 6 tỉ đồng.
Ông Đức khẳng định xã viên sẽ được thụ hưởng nhiều quyền lợi vật chất và tinh thần từ doanh số mua hàng, số tiền góp vốn của mình khi tham gia vào Hợp tác xã tiêu dùng Saigon Co.op.
Theo giải thích của Saigon Co.op, hoạt động này cũng giống với hoạt động góp vốn của cổ đông tại các công ty cổ phần. Tùy theo mức vốn góp và doanh số mua hàng của khách hàng, họ sẽ được Hợp tác xã tiêu dùng trả mức lãi khác nhau. Nếu doanh số mua hàng tại Co.opmart càng cao, mức vốn góp lớn xã viên sẽ được chia lợi nhuận lớn. Đây cũng là một hình thức chia lãi cổ đông nhận cổ tức tại các công ty cổ phần sau một năm kinh doanh. Theo kế hoạch, hoạt động góp vốn này sẽ được Saigon Co.op bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 5 tới.
Trước đó, lãnh đạo Saigon Co.op cũng chia sẻ về mô hình Hợp tác xã tiêu dùng này như là một tổ chức có sự tham gia của số đông những người thích ứng cơ chế thị trường, có được xã viên là có lượng khách hàng trung thành… Xã viên không đầu tư để kiếm lời mà là mang tính tương trợ. Lợi nhuận chia theo doanh số mua hàng.
Việc thành lập Hợp tác xã tiêu dùng này được xem là một trong những hoạt động của Saigon Co.op nhằm phục vụ khách hàng để cạnh tranh hơn, bên cạnh việc xây dựng hệ thống thương mại điện tử, phát triển nhiều hình thức thanh toán mua hàng tiện ích và tổ chức hàng loạt các chương trình khuyến mại…
Về phát triển hình thức thanh toán hóa đơn, ngoài việc hỗ trợ dịch vụ thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại thì siêu thị cũng sẽ bán cả vé xem phim, tour du lịch, vé máy bay...
Saigon Co.op cũng đang đẩy mạnh hoạt động phát triển hệ thống thương mại điện tử (E-Commerce), nhằm góp phần đa dạng hàng hóa, tăng tính liên kết giữa các mô hình bán lẻ của Saigon Co.op; tạo sự tiện lợi cho khách hàng khi mua sắm...
Từ Co.opmart Cống Quỳnh đầu tiên bắt đầu hoạt động vào năm 1996, đến nay Saigon Co.op đã có hơn 80 siêu thị Co.opmart phân bố rộng khắp 38 tỉnh thành trên cả nước và trở thành chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Ngoài chuỗi siêu thị Co.opmart, Saigon Co.op hiện còn có chuỗi cửa hàng thực phầm Co.op Food, cửa hàng tạp hóa Co.op, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, kênh mua sắm HTV Co.op, cửa hàng Bến Thành với đội ngũ hàng chục ngàn lao động.
Liên quan đến thương vụ tham gia mua lại chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam mà Saigon Co.op được chọn tham gia vào vòng đấu giá thứ 2 của Tập đoàn Casino (Pháp), ông Đức tái khẳng định Saigon Co.op thực sự nghiêm túc trong thương vụ này. Tuy nhiên, ông không thể tiết lộ gì thêm.
Theo Quốc Hùng (TBKTSG)