Trình Quốc hội miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng và 18 Bộ trưởng, thành viên Chính phủ
Trong phiên họp sáng 8.4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội xem xét phê chuẩn miễn nhiệm một số thành viên Chính phủ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, Nghị quyết số 03 ngày 2.8.2011 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ và số lượng Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIII; Căn cứ thông báo kết luận số 3 ngày 16-3-2016 và công văn số 11 ngày 24.3.2016 của Bộ Chính trị về việc giới thiệu nhân sự các cơ quan Nhà nước để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 11, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.
Cụ thể: Thủ tướng Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm 2 Phó Thủ tướng là Hoàng Trung Hải và Vũ Văn Ninh.
8 Bộ trưởng được đề nghị miễn nhiệm, thôi giữ chức Bộ trưởng gồm:
1. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang
2. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng
3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh
5. Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên
6. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình
7. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
8. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh
9. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
10. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
11. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang
12. Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son
13. Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền
14. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh
15. Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân
16. Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận
17. Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử
18. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh
Trong số 20 người được đề nghị miễn nhiệm lần này có 13 Bộ trưởng không tái cử ủy viên Trung ương; 4 người đã nhận nhiệm vụ mới gồm: Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước; Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng làm Bí thư Thành ủy TPHCM; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên làm Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không nằm trong danh sách miễn nhiệm dù tại Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, bà không trúng cử Ủy viên Trung ương.
Hai Phó Thủ tướng miễn nhiệm lần này là Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (hiện đảm nhận chức vụ Bí thư Thành ủy TP Hà Nội) và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (nghỉ theo chế độ).
Như vậy, cùng với nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 20/27 thành viên Chính phủ nhiệm kỳ qua sẽ không tham gia Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Chiều 8.4, Quốc hội phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm này bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Sáng mai, 9.4, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình danh sách để Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, một số Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín vào chiều 9.4.
Như vậy, việc kiện toàn các vị trí nhân sự cấp cao cơ bản sẽ hoàn tất trong chiều mai, 9.4.
Theo PHAN THẢO (SGGP)
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục làm Bộ trưởng Y tế
Trong danh sách 20 thành viên Chính phủ được đề nghị miễn nhiệm không có tên Bộ trưởng Y tế.
Theo tờ trình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 8.4, 20 thành viên Chính phủ được đề nghị miễn nhiệm là những người đến tuổi nghỉ chế độ, không tái cử vào Trung ương khóa 12 hoặc đã nhận nhiệm vụ mới.
Riêng Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến không nằm trong danh này dù không tái cử vào Trung ương.
Tại đại hội Đảng 12 hồi tháng 1 vừa qua, ngành Y tế có hai đề cử ủy viên Trung ương là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhưng cả hai không trúng cử và đây cũng là ngành duy nhất không có đại diện trong Trung ương khóa mới.
Trả lời câu hỏi của báo giới sau đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho hay, "việc một số vị trưởng ngành không trúng cử vào Ban Chấp hành Trung ương là bình thường vì có số dư nên đã có kế hoạch".
Theo ông Nên, không nhất thiết ngành nào cũng bố trí ủy viên. Riêng các địa phương thì cố gắng để người đứng đầu vào Trung ương, nếu chưa thì "Trung ương sẽ xem xét điều động khi cần thiết".
Đại hội 12 đã bầu ra Ban Chấp hành mới với 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xin rút khỏi danh sách đề cử, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và 14 bộ trưởng không phải là ủy viên Trung ương.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (57 tuổi, quê Hà Tĩnh) có chuyên môn phó giáo sư, tiến sĩ Y khoa. Bà là ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết Khóa 10, ủy viên Trung ương Đảng Khóa 11, đại biểu Quốc hội Khóa 12, 13.
Từng giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, bà sau đó làm Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, đồng thời là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh cộng đồng, Đại học Y dược TP HCM, Trưởng Ban điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống sốt xuất huyết, Chủ nhiệm Chương trình mục tiêu quốc gia tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS khu vực phía Nam, ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Y tế.
Từ năm 2007, bà đảm nhiệm các vị trí ủy viên dự khuyết Trung ương, Thứ trưởng Y tế, Tổng biên tập Tạp chí Y học thực hành.
Tại Đại hội Đảng lần thứ 11, bà được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được phê chuẩn làm Bộ trưởng Y tế tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 13.
Nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã có nhiều nỗ lực thay đổi cơ chế làm việc của ngành như cấm nhân viên y tế nhận phong bì, yêu cầu các bệnh viện công khai đường dây nóng, lắp camera theo dõi ở một số bệnh viện lớn... Dù vậy, một số vấn đề tồn tại của ngành như nhiều trẻ em bị chết sau khi tiêm phòng, bệnh viện quá tải, chất lượng phục vụ một số nơi chưa tốt khiến bà chưa được đại biểu tín nhiệm cao.
Trong hai lần lấy phiếu, số "tín nhiệm cao" của bà Tiến từ 108 đợt đầu giảm xuống còn 97 (chiếm 19%), số "tín nhiệm thấp" từ 146 cũng tăng lên 192 phiếu (chiếm 38%).
Theo Võ Hải - Hoàng Thùy (VnEXpress)