Thực hiện Nghị định 67/CP: Có chuyển biến, song vẫn còn vướng mắc
Thực hiện Nghị định (NÐ) 67/2014/NÐ-CP ngày 7.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay đã có nhiều ngư dân ký hợp đồng vay vốn ngân hàng thương mại (NHTM) đóng tàu mới. Ðáng chú ý là toàn tỉnh đã có 2 tàu cá vỏ thép đã được bàn giao cho ngư dân, nhiều tàu khác cũng đã được hạ thủy.
Tàu cá vỏ sắt Lady Thuy’S vừa được doanh nghiệp đóng tàu bàn giao cho ngư dân Lê Văn Thiểu. Ảnh: PHẠM TIẾN SỸ
Kết quả bước đầu
Thời gian qua, bên cạnh việc xem xét, thẩm định, phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng tàu mới theo tinh thần NĐ 67 của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện, thành phố ven biển làm việc với các NHTM tham gia thực hiện NĐ 67, từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, hướng dẫn ngư dân hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn để đóng tàu mới.
Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 5 đợt danh sách 144 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới 91 tàu cá vỏ thép, 47 tàu vỏ gỗ và 6 tàu vỏ composite hành nghề câu, lưới rê, lưới vây, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương cũng đã giới thiệu và kết nối ngư dân với các NHTM và các cơ sở đóng tàu trong nước để ký kết hợp đồng vay vốn và hợp đồng đóng tàu mới. Có 2 tàu cá vỏ thép đã được bàn giao cho ngư dân, 5 tàu cá vỏ thép khác đã được hạ thủy và có thêm nhiều ngư dân ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn với các NHTM để đóng tàu vỏ thép. Trong số 2 tàu vỏ thép đã bàn giao cho ngư dân, tàu của ngư dân Nguyễn Việt Hằng, ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn), đã mở chuyến đầu tiên khai thác được 3.550 kg cá các loại, sau khi trừ chi phí còn lãi 30 triệu đồng.
Ngày 5.4, Công ty cổ phần đầu tư phát triển thủy sản Đông Á (Hà Nội) đã bàn giao tàu cá vỏ sắt cho ngư dân Lê Văn Thiểu, ở thôn Thạnh Xuân Đông, xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn). Tàu hành nghề lưới rê, mang tên Lady Thuy’S, số hiệu BĐ 99999 - TS, dài 27,8m, rộng 6,8m, chiều cao mạn 3,15m. Tàu được trang bị máy thủy của hãng Yan Mar (Nhật Bản) với hộp số đồng bộ, công suất máy 829 CV cùng hệ thống cứu sinh, cứu hỏa; máy dò ngang, radar, định vị toàn cầu, bản đồ số; hệ thống hầm bảo quản sản phẩm… Trị giá tàu cá này là 17,4 tỉ đồng bao gồm cả ngư lưới cụ, trong đó vốn đối ứng của ngư dân trên 800 triệu đồng, số tiền còn lại do NHTM cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Phú Tài cho vay. “Tôi rất vui khi là ngư dân đầu tiên trong huyện Hoài Nhơn được sở hữu chiếc tàu cá vỏ thép. Sử dụng tàu cá vỏ thép chắc chắn sẽ an toàn và hiệu quả hơn tàu vỏ gỗ. Dự tính khoảng cuối tháng 6 tới tôi sẽ mở chuyến biển đầu tiên khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa.”- ông Thiểu thổ lộ.
Về chính sách bảo hiểm theo NĐ 67 của Chính phủ, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách các tàu cá đủ điều kiện đăng ký để được hưởng chính sách bảo hiểm gồm 2.107 tàu. Công ty Bảo hiểm Pjico Bình Định đã bán bảo hiểm cho ngư dân với tổng số phí bảo hiểm trên 18,744 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 14,55 tỉ đồng. Hiện Sở NN& PTNT đang trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách các tàu cá đủ điều kiện được hưởng chính sách bảo hiểm theo NĐ 67 đợt 3.2016 với 97 tàu.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận xét: Tuy tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực để cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo tinh thần NĐ 67/CP, nhưng khách quan nhìn nhận, kết quả đạt được vẫn chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do hầu hết các cơ sở đóng tàu vỏ thép đều ở ngoài tỉnh, nên các NHTM gặp rất nhiều khó khăn trong việc xem xét năng lực tài chính của đơn vị đóng tàu để quyết định ký hợp đồng cho ngư dân vay vốn, dẫn đến tiến độ ký hợp đồng tín dụng với ngư dân chậm. Với tàu vỏ gỗ, mặc dù tỉnh ta đã có thiết kế mẫu, nhưng giá trị gỗ đóng tàu ghi trên hóa đơn thấp hơn giá trị thực tế, trong khi đó, NHTM giải ngân cho ngư dân theo giá trị ghi trên hóa đơn, gây khó khăn cho ngư dân và các cơ sở đóng tàu. Dự toán đóng tàu của một số cơ sở đóng tàu đưa ra chưa cụ thể, rõ ràng, Trung tâm thẩm định giá yêu cầu ngư dân và cơ sở đóng tàu xác định lại nhiều lần, nên đã kéo dài thời gian thẩm định.
Cũng theo ông Trần Văn Phúc, về thuế giá trị gia tăng (GTGT), theo NĐ 67, ngư dân được hoàn thuế GTGT khi đóng tàu từ 400 CV trở lên, nhưng theo văn bản số 150 ngày 6.1.2016 của Bộ Tài chính thì tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế, do vậy, đơn vị đóng tàu xuất hóa đơn cho ngư dân không có thuế GTGT và thuế GTGT liên quan đến tàu cá được tính vào chi phí đóng tàu, khiến giá thành đóng tàu tăng cao, gây khó khăn cho ngư dân. Ngoài ra, một số ngư dân được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu đã xin chuyển nghề, thay đổi vật liệu đóng tàu, nên phải làm lại phương án sản xuất kinh doanh để thẩm định, phê duyệt lại, làm chậm tiến độ chung.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện NĐ 67, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ làm việc với chính quyền các địa phương và các NHTM để nắm bắt tình hình thực hiện NĐ 67; đồng thời làm việc trực tiếp với các chủ tàu để nắm bắt cụ thể những vướng mắc trong quá trình thực hiện NĐ 67; phối hợp với các NHTM, chính quyền, hội-đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn ngư dân giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh đề nghị các bộ ngành Trung ương xem xét phần thuế GTGT liên quan đến việc đóng tàu mới và chỉ đạo các NHTM đẩy nhanh tiến độ thẩm định, ký hợp đồng tín dụng đối với các ngư dân được tỉnh phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu mới. Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về thuế GTGT để đảm bảo giảm giá thành trong trường hợp đóng tàu theo NĐ 67, xem xét và đề xuất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho áp dụng thuế suất GTGT = 0 đối với mặt hàng ngư lưới cụ dành cho tàu đánh bắt xa bờ. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các NHTM xem xét định mức tín dụng cho ngư dân vay đóng tàu.
PHẠM TIẾN SỸ