Diễn viên múa không chuyên:
Không chỉ là cuộc dạo chơi
Trong sự lớn mạnh của phong trào văn nghệ quần chúng tỉnh nhà có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ diễn viên múa không chuyên. Không qua đào tạo bài bản, nhưng bằng năng khiếu, niềm yêu thích cùng nỗ lực, họ dần chinh phục một bộ môn nghệ thuật khó. Ðến với múa, họ hạnh phúc vì được thể hiện, phát triển năng khiếu và đóng góp cho phong trào.
Theo những người trong nghề, lực lượng diễn viên múa không chuyên trong toàn tỉnh có đến trăm người, hoạt động dưới hình thức các đội, nhóm múa tự phát hoặc cộng tác viên tự do. Tại TP Quy Nhơn, mỗi biên đạo, người dàn dựng múa lại có một nhóm cộng tác viên thân thiết chừng 10-15 người, sẵn sàng tham gia khi có chương trình. Không chỉ thịnh hành ở trung tâm thành phố, địa bàn hoạt động và vị thế của múa ngày càng mở rộng.
Tiết mục múa “Hương dừa” (âm nhạc: Đào Minh Tâm, biên đạo: Châu My) đoạt HCV tại Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc năm 2013.
Chia sẻ đam mê
Ngoài Phạm Xuân Quang, Châu Phương Trà My (Châu My) và Đỗ Thị Kim Tiễn đã qua đào tạo khá bài bản về múa, hầu hết các diễn viên múa đang làm nghề trong tỉnh đều là “nghiệp dư”. Trung tâm Văn hóa tỉnh thường xuyên có khoảng 30 diễn viên múa không chuyên cộng tác, mỗi người đều có nghề nghiệp ổn định, họ tụ về đây vì có chung niềm đam mê với múa.
Sau lần cộng tác với Trung tâm Văn hóa tỉnh nhân Ngày hội VH-TT các dân tộc thiểu số miền núi toàn tỉnh năm 2008, chị Đoàn Thị Lệ Sương (làm việc tại Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Bình Định) trở thành cộng tác viên thân thiết của đơn vị này. Có tố chất của một diễn viên múa, thêm lợi thế về khuôn mặt khả ái và vóc dáng đẹp, Lệ Sương là một trong những diễn viên múa không chuyên nổi trội, thường xuyên xuất hiện trong các chương trình của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Chị chia sẻ: “Thời gian đầu, tôi gặp không ít khó khăn trong thực hiện những động tác kỹ thuật cao. Không nản lòng, tôi quyết tâm luyện tập, học hỏi thêm ở những người đã “có nghề” để tiến bộ hơn”.
Ở tuổi 23, nhưng cô giáo mầm non Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đã có 7 năm kinh nghiệm trên sàn múa. Nguyệt cộng tác với Trung tâm Văn hóa tỉnh từ khi còn là học sinh cấp 3. Cô từng nhiều lần thay đổi chỗ làm không phải vì chuyện lương bổng hay môi trường làm việc, mà cốt yếu là tìm được nơi có thể hài hòa giữa công việc chuyên môn và “nghề tay trái”. “Tôi đang làm việc tại Trường mầm non Hoa Sữa. Ở đây, tôi được Ban giám hiệu nhà trường tạo điều kiện để đi múa, ngoài ra còn đảm nhiệm bồi dưỡng hát múa cho các bé có năng khiếu của trường”, Ánh Nguyệt chia sẻ.
Múa không chỉ đầy sức hút với các cô gái trẻ, mà “cánh mày râu” cũng rất nặng lòng. Như Vũ Đức Thiện, 25 tuổi, cán bộ Đoàn phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), 5 năm theo đuổi múa, càng ngày Thiện càng thấy mình “say” môn nghệ thuật này. Tham gia cộng tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, nhân tình yêu múa lên với những người cùng đam mê và đóng góp vào đời sống văn nghệ trong tỉnh, anh cảm thấy quãng đời tuổi trẻ của mình sôi động, đẹp hơn, ý nghĩa hơn.
Có không ít trường hợp, mới đầu đến với múa chỉ như cuộc dạo chơi, không để lỡ năng khiếu, để rồi sau đó xác định cơ duyên bền chặt với múa và chọn đó làm nghề. Như Thu Thủy, Minh Thành, hai cộng tác viên của Trung tâm Văn hóa tỉnh trước đây, đang hoạt động múa chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh là ví dụ.
Cần chú trọng tạo nguồn
Quá trình cộng tác giúp các diễn viên không chuyên thêm hiểu nhau, giúp họ thể hiện tốt ý đồ của biên đạo, thông điệp của tác phẩm, trở thành lực lượng nòng cốt trong nhiều chương trình, tiết mục múa tại các sự kiện văn hóa văn nghệ quan trọng. Tham gia sân chơi ở tầm quốc gia, múa không chuyên Bình Định cũng đã từng bước khẳng định mình, khi liên tục đạt thành tích cao tại các kỳ Liên hoan Múa không chuyên toàn quốc. Mới đây nhất, ở Liên hoan lần thứ IV năm 2013, múa không chuyên Bình Định đã đoạt 1 HCV đầu bảng và 2 HCB cho 3 tiết mục “Hương dừa”, “Lung linh một cõi trời Văn” và “Âm vang đại ngàn”.
Có một thực tế phải thừa nhận: múa là nghề không đợi tuổi. Tuổi biểu diễn của diễn viên múa thường rất ngắn, “kịch trần” thì cũng chỉ dừng lại ở quãng 30 tuổi với nữ và 35 ở nam. Tuy nhiên, đây lại là bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự khổ luyện cao cùng yêu cầu về độ son trẻ. Dẫu hoạt động chỉ mang tính nghiệp dư, phong trào, cũng phải mất vài năm để múa được, người đến với múa muộn, biểu diễn chưa được bao lâu đã phải tạm biệt sân khấu.
“Lâu nay, Trung tâm Văn hóa tỉnh được xem là “trường thực nghiệm”, nơi mà bạn trẻ có năng khiếu múa được học múa, đi múa, có thu nhập và quan trọng nhất là theo đuổi sở thích, phát triển khả năng nghệ thuật của mình. Ngược lại, Trung tâm cũng rất cám ơn sự cộng tác đầy tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ diễn viên múa không chuyên, giúp Trung tâm làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh, chân thành chia sẻ.
Theo bà Hằng, nhiều năm qua, mảng múa thiếu nhi và công tác tìm kiếm mầm non năng khiếu, bồi dưỡng và dự nguồn cho múa ở tỉnh ta chưa được chú trọng. Người có năng khiếu múa hầu hết được phát hiện khá muộn, chủ yếu từ phong trào văn nghệ ở khối các trường trung học phổ thông, do đó thời gian để họ phát triển khả năng không nhiều. Nhiều người vào đại học, cao đẳng đi học xa nhà, không có điều kiện tham gia múa thường xuyên đành bỏ ngang. Thực tế đó đòi hỏi những người quản lý văn hóa cần quan tâm hơn đến công tác “tạo nguồn” cho lực lượng diễn viên múa trong tỉnh.
SAO LY - THU THẢO