Chỉ muốn làm con sóng nhỏ (*)
Người làm thơ, có khi mỗi năm ra mắt liên tiếp vài cuốn, có người cả đời tích góp mãi mới cho ra được “đứa con tinh thần” đầu lòng. Nguyễn Nhật Hùng - một người chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ - nằm ở vế thứ hai, vừa xuất bản tập thơ “Vầng trăng đom đóm” dày dặn với 57 bài thơ thuộc đủ thể loại.
Có thể nói, tác giả tập thơ trên là một người âm thầm, âm thầm chôn cuống nhau của mình trên mảnh đất Hoài Ân, rồi về lớn lên dưới vòm phố biển Quy Nhơn và… âm thầm đến với thơ. Nhìn vào biểu thời gian mà tác giả ký dưới mỗi bài thơ, có thể thấy đó là thành quả chắt chiu của ông trong cả một đời yêu thơ.
Chủ đề của tập thơ chính là cảm xúc đa dạng của tâm hồn ông rung ngân trước cuộc đời này. Có khi là thứ cảm xúc “Chao ôi ngựa sắt cũng say rượu/ Trăng mới lên cao muốn lên đồng” (Uống rượu với bạn đồng điệu); có khi ông dành cho một người yêu sống trong hoài niệm “Nhà em có ngói thay tranh/ Con đò năm ấy tròng trành trong tôi”; có khi là thứ tình cảm dành cho hạnh phúc thực tại trong ngôi nhà của chính ông “Vợ thường bảo nhà giàu hơn “chị Dậu”/Còn có anh thắp sáng ngọn đèn” (Nhà mình giữa phố); có khi là thứ cảm xúc riêng mình ông chiếm lĩnh cái đơn độc khi chợt vấn quy luật cuộc đời: “Hỏi trời? Trời mãi lắc đầu/ Hỏi mây? Chỉ nước qua cầu... thế thôi!/ Vầng trăng đang ngự trên đồi/ Hạt sương trên lá và tôi đứng nhìn” (Khách thương hồ). Cái làm người ta dễ đến với thơ Nguyễn Nhật Hùng có lẽ là cảm xúc thật được ông cất lên bằng nhịp điệu.
Nhịp điệu thơ ấy là thứ nhịp điệu được đọng lại thành chữ, thành lời, có lẽ để trước hết là chính tác giả soi mình vào đó mà tự nhủ lòng mình giữa bộn bề cuộc đời rất thật: “Thôi thì nước chảy hoa trôi/ Vầng trăng... đom đóm… cùng tôi tự tình” (Dãy số và vầng trăng). Đọc tập thơ, có thể thấy tác giả không hề nặng nề trong cách lập ngôn, rổn rảng trong vấn đề tạc chữ và nghĩa. Dường như tác giả đi theo tôn chỉ khởi nguồn của thể loại văn học này, đó là “dùng thơ tải thứ cảm xúc ban đầu”. Thứ cảm xúc ban đầu ấy là thứ cảm xúc “yêu”, yêu hết thảy chứ không hề là thứ ý nghĩ ngột ngạt giữa nhịp sống đô thị hóa: “Đóng ngõ vào tâm hồn những ý nghĩ phồn tạp/ Nhịp thở một hai/ Bóng thu ngắn dần/ Không còn những ảo ảnh, lo toan, tính toán” (Lối về).
Nguyễn Nhật Hùng từng nói: “Tôi chỉ muốn làm con sóng nhỏ/ Hát ru những lúc em buồn”. Thơ, với ông là thế. Sẽ có người thích, có người không thích. Nhưng với một người yêu thơ, hẳn sẽ hiểu rằng, không hẳn người làm thơ cứ phải đứng ở đỉnh cao nhất, mà quan trọng là nhà thơ đã làm được gì ở vị trí mình đang đứng. Và bạn có vui khi ai đó sẵn sàng hát ru khi bạn buồn không?
LÊ VĂN
(*) Đọc tập thơ “Vầng trăng đom đóm”, NXB Văn học, 2013