NSND Hồ Thu: Gót sen hồng trên thảm đỏ
Cháy bỏng, sáng tạo và ngọt ngào, sâu lắng là lời nhận xét chung của những người đam mê nghệ thuật dân ca kịch bài chòi khi nhắc đến NSND Hồ Thu, cô đào chính của Ðoàn Ca kịch Bài chòi Bình Ðịnh.
Diễn viên Hồ Thu (người đứng giữa) trong vở diễn “Cổ tích thời hiện đại”. Ảnh: HOÀI THU
Bồi đắp đam mê bài chòi từ truyền thống gia đình
Hồ Thu sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật: ông nội - nghệ sĩ Hồ Quý là ông bầu của một đoàn dân ca kịch nghiệp dư. Ba là nghệ sĩ Hoàng Thu An, nguyên Trưởng Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, cô ruột là một cô đào sành sỏi cả bài chòi và hát bội…
Kể từ khi cất tiếng khóc chào đời (1963), tâm hồn của cô bé Hồ Thu đã được nuôi dưỡng bằng những làn điệu bài chòi ngọt ngào đằm thắm của ba và lời ru của mẹ, người có tình yêu tha thiết với bài chòi. Cũng bởi vậy mà tài năng của Hồ Thu được nảy nở từ rất sớm. Nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu, NSND Hồ Thu chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi thường được ba cõng đi theo trong các đêm lưu diễn. Đến năm 7 tuổi, tôi đã có thể hát được một số câu của các nhân vật Phượng, Hà trong vở “Ba cha con”. Tôi nhớ như in năm đó tôi khoảng 10 tuổi (1972), Phù Mỹ quê tôi còn chưa được giải phóng, ban ngày giặc kiểm soát còn ban đêm cách mạng lại về. Tối hôm đó thật bất ngờ với lời đề nghị của các cô chú, tôi được ba ẵm lên bục để biểu diễn một tiết mục góp vui. Sắm vai Phượng trong vở “Ba cha con”, khi tôi hát đến câu: “Ba ơi! Biết bao phen ba vào tù ra tội, là để cho tình thương mang đến mảnh đất này”, tất cả khán giả vỗ tay rào rào khen ngợi. Lúc ấy tôi rất run bởi sự ngỡ ngàng và hạnh phúc”.
Vì yêu bài chòi nên Hồ Thu có sự định hướng nghề nghiệp từ khá sớm. Năm 14 tuổi (1977), với tất cả niềm đam mê và những tố chất thiên phú của mình, chị đã đến với lớp Dân ca kịch Bài chòi của Trường Trung cấp Văn hóa Thông tin Bình Định (nay là Trường Trung cấp VHNT Bình Định). Ở đây, những yếu tố năng khiếu bẩm sinh của cô bé Hồ Thu ngày nào đã được các thầy cô như NSƯT Nguyễn Kiểm, NS Kim Việt... uốn nắn, gọt giũa.
Nhắc đến Hồ Thu, NSƯT Nguyễn Kiểm nhận xét: “Để có được một người nghệ sĩ thực thụ cần phải có hai yếu tố đặc biệt quan trọng, đó là năng khiếu bẩm sinh và tình yêu. Ngay từ bài thi đầu tiên, tôi đã thấy Hồ Thu hội tụ đầy đủ những phẩm chất ấy. Ngoài ra, tôi còn thấy em là người rất nghiêm túc trong hoạt động nghệ thuật. Sự nghiêm túc ấy được thể hiện bằng những tìm tòi, nghiên cứu khá kỹ của em đối với từng vai diễn của mình cũng như toàn bộ vở diễn, đặc điểm của từng vai và tương quan mối quan hệ của các nhân vật trong tác phẩm. Vậy nên Hồ Thu diễn rất sâu”.
Trong quá trình học, Hồ Thu đã gặp chàng sinh viên Hoài Huệ. Để rồi từ đó hai người trở thành một cặp trai tài, gái sắc cùng đồng cam cộng khổ dìu nhau đi đến bến bờ thành công của nghệ thuật, cũng như hạnh phúc ngoài đời.
Tỏa sáng qua nhiều loại vai
Ngay từ khi mới học đến năm thứ 2 ở Trường, vì Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định thiếu diễn viên nên cặp đào kép Hồ Thu - Hoài Huệ được chọn về bổ sung lực lượng cho Đoàn. Có được môi trường thuận lợi để học tập, trau dồi kiến thức thực tế, Hồ Thu vừa cần mẫn học hỏi các nghệ sĩ đi trước, vừa tìm tòi sáng tạo. Như cá gặp nước, chị đã nhanh chóng khẳng định dấu ấn của mình bằng các vai diễn chính trong các vở kinh điển như Thoại Khanh trong vở “Thoại Khanh Châu Tuấn”, Xuân Nương trong vở “Lâm Sanh Xuân Nương”…
Với tình yêu nghệ thuật cháy bỏng và tài năng nghệ thuật bẩm sinh, Hồ Thu có thế mạnh nổi trội trong việc thể hiện những vai đào bi như Ngọc Hân, Huyền Trân, Công chúa Ngọc Du, Dịu... Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở dạng vai sở trường của mình, với niềm đam mê khám phá, sự khát khao sáng tạo nghệ thuật đã đưa chị đến với thành công cả ở những vai diễn khó, đầy mạnh mẽ và cá tính. Đây là điều rất khó, bởi lẽ dạng vai đào bi là những nhân vật có tính cách nhẹ nhàng gắn với những tiểu thư khuê các, còn vai cá tính là những nhân vật có tính cách mạnh mẽ thường là những con người ăn chơi, nghịch ngợm, thậm chí có chút sa đọa…
Để thể hiện tốt cả hai loại hình nhân vật có tính cách đối lập nhau quả thực là rất khó. Vì thế mà khi xem Hồ Thu thể hiện vai thằng nhỏ trong vở “Đứa con tôi” tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2003, ngay cả nhà viết kịch Lê Duy Hạnh cũng phải thốt lên rằng: “Hồ Thu là đào thương (bi) mà không ngờ vào vai này lại tốt, lại đột phá đến thế”. Và năm đó, vai diễn này cũng mang về cho Hồ Thu tấm HCV.
Tại các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, chị luôn giành được những thành tích nổi trội; chỉ tính trong hơn 10 năm qua phải kể đến: HCV vai Tâm trong vở “Biển và tôi” tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005; HCV vai Dịu trong vở “Thời con gái đã xa” tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2010; HCV vai Công chúa Ngọc Du trong vở “Khúc ca bi tráng” tại Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013...
Với những cống hiến của mình cho nền sân khấu nước nhà, diễn viên Hồ Thu đã lần lượt được Nhà nước phong tặng các danh hiệu NSƯT năm 1997 và NSND năm 2015. Nối tiếp tổ nghiệp, giờ đây NSND Hồ Thu đã và đang nhận trách nhiệm truyền lại những gì mình có cho thế hệ nghệ sĩ kế tiếp. Hiện tại, NSND Hồ Thu đang tích cực cộng tác với Trường Trung cấp VHNT Bình Định và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh tham gia giảng dạy các lớp trung cấp, đại học chuyên ngành dân ca kịch Bài chòi tại Quy Nhơn và Nha Trang…
Nhắc đến cô giáo của mình, Thùy Dung, cô đào trẻ rất có triển vọng của Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, xúc động chia sẻ: “Tôi có được như ngày hôm nay là nhờ có NSND Hồ Thu và NSND Hoài Huệ ân cần, tận tình chỉ dạy và giúp đỡ. Trong quá trình học tập và làm nghề, mỗi khi gặp những chỗ khó tôi thường đến nhờ cô chỉ dạy”.
LÊ CÔNG PHƯỢNG