Chữ hiếu
* Truyện ngắn của trương thị thúy
Cụ Mây mẹ chồng bà Thu đã tám mươi tuổi rồi, quanh năm đau ốm. Cụ đi viện luôn, cứ về được năm mười ngày lại đi viện. Cụ cứ than thở, thân già ốm đau luôn, chỉ làm khổ con khổ cháu. Ấy vậy nhưng khổ ai? Chỉ khổ một mình bà Thu.
- Mẹ bị bệnh, hai chị không đi chăm được, mỗi người cho bà một triệu, mợ cầm lấy để lo thuốc thang cho bà.
Bà Thu chẳng nói gì. Người đàn bà nghèo khổ lam lũ đưa bàn tay xương xẩu cầm lấy tiền mà đôi mắt buồn rười rượi. Anh em nhà chồng bà có 6 người. Chồng bà là con thứ ba nhưng là con trai lớn. Hai người con gái út lấy chồng rồi theo chồng vào tận trong Nam sinh sống, cũng hơn chục năm rồi chưa về thăm quê. Những người còn lại thì sống ở xóm đó, xa lắm cũng chỉ cách có vài chục cây số là cùng. Vậy mà khi mẹ ốm, có mấy khi họ về thăm.
Trong số các con của cụ Mây, gia đình bà Thu là nghèo nhất. Hai ông bà đều làm nông nghiệp, lại nuôi 4 đứa con ăn học nên làm ra bao nhiêu cũng hết. Cuộc đời lam lũ vất vả khiến bà Thu mới 53 tuổi mà trông già hom hem. Lại thêm mấy năm trước, sau khi mổ u tim bà lại bị hở van 2 lá nên nhìn lúc nào cũng có vẻ mỏi mệt.
Bà về làm dâu đã 30 năm có lẻ rồi. Bà sống hiền lành, tốt bụng, hàng xóm láng giềng ai cũng quý. Duy chỉ có mẹ chồng bà - cụ Mây và hai bà chị chồng chẳng ưa bà. Có lẽ do hai bà cô kia giàu có còn bà Thu thì “nghèo rớt mồng tơi”. Đã có lần bà cười buồn nói thế với các con. Nhưng bà hiền lắm, bà chẳng bao giờ muốn nói những chuyện đó, ầm ĩ chẳng ra sao, hàng xóm láng giềng người ta cười cho. Bà chỉ giữ nỗi buồn cho riêng mình.
***
Cụ Mây lại lên cơn ho trong nhà. Bà Thu vội chạy vào, ngồi bên cạnh giường đỡ mẹ chồng dậy, vỗ nhè nhẹ vào lưng bà cụ, sau đó kéo cái bô dưới gầm giường cho bà cụ nhổ đờm. Lúc sau, hai bà chị chồng mới vào. Bà chị Sen cố ý nói rõ to cho cụ ông ở gian ngoài nghe thấy:
- Mẹ thấy trong người thế nào rồi? Mai mẹ lên viện mà bọn con bận quá không lên chăm được. Con với dì Cúc mỗi đứa đưa mợ Thu một triệu để mợ ấy lo cho mẹ. Để con điện cho cậu Tùng, dì Trúc, dì Mai nữa. Mỗi đứa lo một ít, mẹ cứ yên tâm. Còn thừa thiếu thế nào để vợ chồng mợ Thu lo.
Cụ Mây không nói gì, ra hiệu cho con dâu đỡ nằm xuống giường. Người con gái lớn của cụ năm nay cũng gần 60 rồi, nhưng người nhàn hạ, sung sướng có khác, nhìn trẻ hơn bà Thu nhiều. Bà ấy đến bên giường, kê chiếc gối mẹ nằm cho ngay ngắn, chẳng may đụng phải chiếc bô lẫn cả đờm dãi, nước tiểu của mẹ thì nhắm mắt, rùng mình và lặng lẽ, cúi người sửa gối cho mẹ, cái chân đá đẩy chiếc bô vào trong gầm giường. Bà Thu nhìn thấy, buồn buồn…
Bà cụ Mây mấy tháng nay cứ hết nằm bệnh viện huyện lại đến bệnh viện tỉnh, bà Thu vẫn chăm sóc tận tình. Có khi nào các chị em chồng đến mà đổ bô cho mẹ họ đâu. Lâu lâu đến thăm cũng chỉ chớp nhoáng rồi về, nói là bận. Mà bận gì? Nhà bà còn bận hơn nhiều với công việc đồng áng bởi “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Vậy mà bà Thu vẫn bỏ hết việc nhà cho chồng con để đi chăm sóc mẹ chồng. Các chị em bên chồng cũng mỗi người một cảnh, bà chẳng nghĩ, chẳng phân bì ai đi chăm mẹ. Đạo làm dâu làm con bà cứ hết lòng làm tròn bổn phận. Nhưng bà chỉ buồn, chỉ giận hai người chị chồng ích kỷ, chỉ biết lo cho gia đình mình và không muốn chăm sóc vì sợ lây bệnh từ mẹ. Họ không chăm mẹ đã có bà, nhưng chỉ sợ mẹ chồng biết chuyện sẽ buồn đến cỡ nào.
Mới đi viện về nhà được một tuần. Chiều hôm đó, cụ Mây đau quá, đòi gọi bác sĩ đến tiêm. Cụ ông nói mai lại đưa cụ bà lên viện. Thế là cụ bà khóc rền lên. Nói là chỉ khổ con khổ cháu, đứa nào cũng bận. Cụ ông an ủi:
- Đau thì đi viện bác sĩ họ điều trị cho, ở nhà nằm cũng đâu có khỏi. Chúng nó bận thì cũng phải thu xếp chăm bà chứ. (Cụ ông chép miệng). Mà cùng lắm tôi đi chăm bà là được chứ gì!
- Thôi, để tôi ở nhà, sống được ngày nào thì sống.
Thấy mẹ chồng vậy, bà Thu vội an ủi:
- Mẹ cứ yên tâm, có con đi chăm mẹ mà, mẹ đừng nghĩ ngợi nhiều lại ốm thêm.
- Nhưng mà...
Lại một tràng ho dài của cụ Mây, cắt đứt câu nói của cụ. Bà Cúc, con gái thứ hai của cụ xẵng giọng:
- Mẹ buồn cười nhỉ. Có mợ Thu đi chăm rồi thì cứ đi. Bọn con bận không đi được thì lo tiền viện cho mẹ. Vậy còn lo gì nữa?
Cụ Mây không nói gì nữa, chỉ nằm thở, hai mắt nhắm nghiền. Những giọt nước mắt lặng lẽ rỉ qua hai kẽ mắt chảy xuống quyện vào mớ tóc hai bên tai. Cụ ông thở dài:
- “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”. Cha mẹ già rồi, chẳng còn mấy nỗi.
Nói xong cụ bỏ ra gian ngoài, thấy hai người con gái cũng chuẩn bị ra về, cụ nói:
- Hai đứa chuẩn bị về đấy à? Mẹ bay đi viện luôn, con Thu nó đi chăm bà ấy nhiều chắc cũng mệt. Hai đứa xem thu xếp vài bữa lên thay cho em.
- Bọn con còn có việc mà, để mợ ấy đi chăm mẹ cũng được chứ sao. Bọn con nói mợ ấy rồi, tiền viện bọn con lo.
- Nhưng em nó cũng nhiều việc quá!
- Ôi dào, vườn tược nay không làm thì mai làm, đâu mất đâu mà lo. Thôi bọn con về đây.
Hai người con gái về rồi, cụ ông ngồi nhìn ra ngoài vườn, lòng rưng rưng. Cụ nghĩ mà giận mấy đứa con. Ngày cụ bà chưa ốm đau thì họ cũng về luôn tụ tập ăn uống. Thế mà bây giờ bà ấy ốm nằm một chỗ thì chúng nó bận tối ngày, trai gái, dâu rể chẳng thấy đâu. Cụ lại trách cụ bà trước đây cứ phân biệt đối xử với con dâu để bây giờ phải ngượng. Cụ càng thương dâu Thu hơn khi trước đây miếng ngon không có phần, việc nặng lại đến làm. Vậy mà nó chẳng bao giờ trách móc, bây giờ lại hết lòng chăm cho mẹ chồng.
Mặt trời đã khuất sau rặng tre còn cố hắt lên những ánh sáng cuối ngày đỏ quạnh. Bất giác cụ ông giật mình: “Thôi chết, quên bẵng đi mất”. Cụ quay vào trong buồng. Bà Thu đang ngồi xoa bóp cho cụ bà. Cụ nói nhỏ:
- Con ở nhà, cha đạp xe mang cơm lên xóm trên cho con chó !
Nhìn cha chồng đã ngoài tám mươi lọm khọm mang cặp lồng cơm, dắt chiếc xe đạp cũ ra cổng mà bà Thu thấy xót xa trong lòng. Hết nuôi con bây giờ còn phải nuôi chó của con. Người em trai chồng của bà đã có nhà trên tỉnh, còn nhà ở xóm để sau này về hưu thì ở nên nuôi con chó giữ nhà. Ngày ba bận cụ ông phải đạp xe cả cây số để mang cơm cho con chó. Vậy mà bây giờ cụ bà ốm, họ chẳng về với mẹ được nửa ngày. Họ chỉ đáo qua, đứng ở cửa buồng hỏi vào: “Mẹ đã đỡ chưa?”, “Mẹ thấy trong người thế nào?”,... dăm ba câu cho đủ lệ rồi dúi vào tay bà Thu một vài trăm nói là để lo thuốc thang cho mẹ. Rồi họ đi. Họ đâu biết hay cố tình không biết, cha mẹ già leo lắt như ngọn đèn trước gió cần sự quan tâm, quây quần của con cháu để tuổi già bớt cô quạnh. Những đồng tiền lạnh tanh đưa vội đâu có thể làm ấm tuổi già...
T.T.T