Tập trung chống hạn cho cây trồng vụ Hè Thu
Hiện nay, bên cạnh việc chỉ đạo nông dân xuống giống, đảm bảo lịch thời vụ sản xuất, ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống hạn cho cây trồng vụ Hè Thu 2016.
Nhiều diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả đã được nông dân xã Cát Tài (Phù Cát) chuyển sang sản xuất cây trồng cạn.
27 hồ chứa nước đã khô cạn
Theo Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài, nên lượng mưa trung bình toàn tỉnh trong quý I.2016 chỉ có 66 mm, đạt 52% so với trung bình nhiều năm (TBNN), mực nước các con sông trong tỉnh cũng thấp hơn TBNN cùng kỳ. Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến cho nước trên các sông, suối và lượng nước từ các hồ chứa bị bốc hơi nhiều, bình quân mỗi tuần các hồ chứa giảm 2 triệu m3 nước. Hiện lượng nước các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh chỉ còn 373/578 triệu m3, đạt 64,6% dung tích thiết kế, gần bằng 90% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, lượng nước tại 15 hồ chứa do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định quản lý còn trên 317/458 triệu m3, đạt 69% dung tích thiết kế; lượng nước tại 146 hồ chứa do các địa phương quản lý còn trên 56/120 triệu m3. Đáng lo ngại là đã có 27/161 hồ chứa đã cạn nước; nhiều hồ chứa còn khoảng 40% dung tích thiết kế trở xuống cũng sẽ bị khô cạn trong thời gian tới.
Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: “Vụ HT 2016 tỉnh ta sản xuất 53.774 ha cây trồng, gồm 40.750 ha lúa và 13.024 ha cây hoa màu. Nguồn nước tại các công trình thủy lợi có khả năng tưới cho 42.321 ha (lúa 38.510 ha, màu 3.811 ha). Diện tích cây trồng khả năng bị hạn là 11.453 ha (Hoài Nhơn 2.656 ha, Phù Mỹ 2.710 ha, Phù Cát 2.089 ha, Hoài Ân 777 ha, Tuy Phước 773 ha, Vân Canh 589 ha, Tây Sơn 208 ha, Vĩnh Thạnh 410 ha, TP Quy Nhơn 180 ha). Ngoài ra, có 5.100 ha cây trồng ăn nước từ các trạm bơm phải tăng số giờ bơm khi xảy ra nắng nóng”.
Cũng theo ông Phan Xuân Hải, nguồn nước sinh hoạt cũng sẽ rất căng thẳng. Dự báo toàn tỉnh có khoảng 7.960 hộ sẽ bị thiếu nước sinh hoạt. Trong đó, huyện An Lão có 403 hộ, Hoài Ân 540 hộ, Hoài Nhơn 1.398 hộ, Phù Mỹ 1.400 hộ, Phù Cát 950 hộ, Tây Sơn 550 hộ, Vĩnh Thạnh 280 hộ,Vân Canh 468 hộ, thị xã An Nhơn 543 hộ, Tuy Phước 300 hộ và TP Quy Nhơn 1.128 hộ. Thời gian thiếu nước nghiêm trọng nhất sẽ xảy ra từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8, lúc cao điểm có thể có tới 10.000 hộ/41.000 người thiếu nước sinh hoạt.
Tập trung chống hạn
Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương kiểm tra, đánh giá nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, lưu lượng dòng chảy các sông, suối, xác định rõ khu vực thiếu nước, khu vực có nguy cơ thiếu nước, thông tin kịp thời, chính xác để người dân biết, nhằm chia sẻ khó khăn và cùng tham gia chống hạn. Đối với hoạt động cấp nước, ưu tiên theo thứ tự: Cấp nước sinh hoạt cho người dân, cho vật nuôi; nuôi trồng thủy sản; vùng sản xuất lúa giống, cánh đồng mẫu lớn; vùng ven đê Đông để chống xâm nhập mặn, xì phèn.
Hiện các phương án phòng chống hạn vụ HT 2016 đã và đang được chính quyền các địa phương triển khai. Tại huyện Phù Mỹ, sau khi kiểm tra nguồn nước tại các hồ thủy lợi, huyện đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, đồng thời triển khai phương án phòng chống hạn ngay từ đầu vụ. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Phòng NN&PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết: Trên cơ sở nguồn nước hiện có và tình hình diễn biến thời tiết, vụ HT năm nay huyện chỉ sản xuất 3.340 ha lúa, giảm 1.962 ha so với vụ này năm trước, đồng thời vận động nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi những diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cạn. Ngoài 695 ha đất màu chuyên sản xuất cây rồng cạn, vụ HT này, các xã Mỹ Châu, Mỹ Lộc, Mỹ Hiệp, Mỹ Tài sẽ chuyển 850 ha đất lúa không chủ động được nước tưới sang sản xuất đậu phụng, bắp, ớt. Hiện nay, nông dân đã xuống giống được 2.500 lúa vụ Hè. Các biện pháp tưới tiết kiệm nước đang được nông dân áp dụng.
Huyện Phù Cát, Tây Sơn, Hoài Nhơn… cũng đã chỉ đạo nông dân các địa phương thực hiện mạnh mẽ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và triển khai các biện pháp chống hạn ngay từ đầu vụ. Riêng tại Phù Cát, ngoài 1.600 ha đất màu chuyên sản xuất các loại cây trồng cạn, vụ sản xuất này huyện còn chuyển đổi 550 ha diện tích đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới sang sản xuất 150 ha đậu phụng, 300 ha bắp và 50 ha mè. “UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT và chính quyền các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, gắn với thực hiện sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Mặt khác, củng cố các tổ, đội thủy nông điều tiết nước tưới, hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm. Các địa phương cũng đã kiểm tra các công trình cấp nước sinh hoạt trên địa bàn và xây dựng phương án cấp nước sinh hoạt cho dân”- ông Lương Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, chia sẻ.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Ngành Nông nghiệp tiếp tục tổ chức các tổ công tác tiến hành kiểm tra nguồn nước hiện có tại các hồ chứa nước trong tỉnh; hướng dẫn các đơn vị quản lý thủy nông, chính quyền các địa phương và hộ sử dụng nước thực hiện giảm ít nhất 10% lượng nước tưới so với bình thường thông qua việc điều tiết và tưới tiết kiệm. Kiểm tra, tu bổ, sửa chữa các hạng mục công trình hồ chứa bị hư hỏng, nạo vét kênh mương dẫn nước; củng cố tổ đội thủy nông nội đồng, điều tiết nước tưới hợp lý, hạn chế nguồn nước bị thất thoát. Tổ chức quản lý, vận hành các cống, tràn trên đê Đông không để xâm nhập mặn. Ngành Nông nghiệp và các địa phương cũng tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể số hộ dân thiếu nước; chủ động mở mạng cấp nước ở các công trình cấp nước đã xây dựng, đồng thời vận động người dân đào, khoan thêm giếng để lấy nước ngầm sử dụng.
Bài và ảnh: PHẠM TIẾN SỸ