An Lão: Âm ỉ nạn tảo hôn
Hiện nay, tình trạng tảo hôn ở huyện An Lão vẫn âm ỉ diễn ra, gây nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.
Một buổi tuyên truyền pháp luật về hôn nhân và gia đình cho người dân ở thôn 2, xã An Dũng (An Lão).
Xã An Dũng có khoảng 400 hộ dân, đa số là người Bana. Từ năm 2013 đến nay, xã có 16 cặp “vợ chồng non” là người Bana. Các cặp này tổ chức cưới nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Điển hình như trường hợp của Đinh H. và Đinh Thị X. tổ chức kết hôn năm 2015, khi cô dâu mới 16 tuổi, còn chú rể lớn hơn vợ 2 tuổi.
Chúng tôi tìm đến nhà Đinh Thị X. (ở thôn 3, xã An Dũng). X. sinh năm 1999 nhưng đã có con bồng bế. Năm ngoái, nghỉ hè về làng, X. có bầu với Đinh H. (19 tuổi, người ở xã An Toàn) nên không tổ chức đám cưới mà dẫn nhau về dựng tạm căn nhà ngay đầu làng, âm thầm sống với nhau.
Chúng tôi được biết, tại địa phương này, việc cha mẹ thúc giục, tạo điều kiện để con cái mới 16 - 17 tuổi kết hôn cho sớm “yên bề gia thất” không ít. Bên cạnh đó, sự thiếu thốn về đời sống tinh thần của một bộ phận thanh thiếu niên; vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức cũng là những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn ở đây trở nên nhức nhối hơn. Bà Từ Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện An Lão, cho biết thêm: Tình trạng tảo hôn còn do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, những hủ tục như hứa hôn, cưỡng ép hôn vẫn còn tồn tại. Ở hầu hết các địa phương xảy ra tảo hôn, trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế.
Về cấp độ địa phương, ông Đinh Văn Hâm, Phó Chủ tịch UBND xã An Dũng, cho rằng: “Lối nghĩ lấy vợ, lấy chồng sớm để có “con đàn cháu đống” đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con nơi đây nên việc tuyên truyền, vận động họ từ bỏ là bài toán khó đối với chính quyền địa phương và các ngành chức năng; bởi bà con không nhận thức được hậu quả mà nạn tảo hôn để lại”.
Một thực tế khác, nạn tảo hôn vẫn còn “đất sống” có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể. Nhiều trường hợp, địa phương biết việc kết hôn của các đôi “vợ chồng non” là vi phạm pháp luật nhưng không cương quyết ngăn chặn. Khi đám cưới đã tổ chức xong, chính quyền gọi những đối tượng này tới khiển trách, nhắc nhở rồi lại cho về tiếp tục cuộc sống vợ chồng.
Ông Nguyễn Trực, Chánh Văn phòng UBND huyện An Lão, nhìn nhận: Dù Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định về hành vi tảo hôn và tổ chức tảo hôn quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Tảo hôn, tổ chức tảo hôn cũng bị coi là những tội phạm hình sự. Tuy vậy, đến nay, trên địa bàn huyện chưa có trường hợp tảo hôn nào bị xử phạt; điều này, phần nào gián tiếp góp phần cho nạn tảo hôn diễn ra.
Thiết nghĩ, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn, các cấp, ngành có liên quan ở huyện An Lão cần kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số; các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Theo báo cáo của Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện An Lão, từ năm 2013 đến cuối năm 2015, toàn huyện có 45 trường hợp tảo hôn. Cụ thể, năm 2013 có 14 trường hợp; năm 2015 có 19 trường hợp, trong đó, xã An Dũng chiếm số lượng nhiều nhất với 16 trường hợp.
TRỌNG LỢI