Tràn lan hài nhảm trên truyền hình
Có thể thấy, chưa bao giờ các chương trình hài phủ sóng trên truyền hình với mức độ dày đặc như hiện nay. Hàng loạt chương trình hài đua nhau chiếm sóng trên VTV lẫn các địa phương - “nổi” nhất là HTV và THVL. Có thể nhắc đến rất nhiều chương trình từ đình đám đến làng nhàng, như “Ơn giời, cậu đây rồi”, “Cười xuyên Việt”, “Tài tếu tuyệt”, “Hội ngộ danh hài”, “Thách thức danh hài”, “Gặp nhau để cười”, “Vui ơi là vui”, “Siêu thị cười”, “Tiếng cười sinh viên”…
Trước khi ra mắt một “show hài”, các nhà sản xuất đều không hết lời tung hô, hứa hẹn sẽ mang lại những tiếng cười “sạch”, những phút giây thư giãn thật sự cho khán giả. Thế nhưng, phần đông người xem truyền hình không thể… nuốt nổi những “món lẩu” thập cẩm lẫn rác và sạn, khi nghệ sĩ chỉ có nhiệm vụ duy nhất là chọc cười khán giả bằng mọi cách thức có thể, kể cả xúc phạm người khác.
Ngay cả chương trình “Ơn giời, cậu đây rồi” được phát sóng “giờ vàng” trên VTV3 vẫn nhận được cơ man “gạch đá” từ khán giả. Dàn sao “khủng” của làng giải trí (với những Hoài Linh, Chí Tài, Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương, Xuân Bắc) vẫn không cứu vãn nổi khi những tình huống kịch được tạo ra quá nhảm nhí, lời thoại lại nhạt nhẽo, tục tĩu. Người tận dụng hài tục nhiều nhất phải kể đến Việt Hương. Khi vào vai bà Ba (vợ Bá Kiến) “lẳng lơ”, Việt Hương đã dùng những ngôn từ khiến người nghe đỏ mặt như quất, đè, dạo đầu... Còn khách mời Anh Đức thì tuôn luôn một câu hết sức vô duyên: “Tướng bà ngon quá, nhìn tròn như miếng dồi chó”. Chưa hết, MC Xuân Bắc cũng “góp nhảm”: “Xin chia buồn với cái buồng trứng của chị” (?!).
Trong khi đó, là giám khảo duy nhất của “Ơn giời, cậu đây rồi!”, Hoài Linh càng ngày càng rơi vào tình cảnh nhàm chán, với lời nhận xét nhạt nhẽo, kiểu cho có. Công bằng mà nói, với kiểu “chạy sô”, “trùm giám khảo” như các danh hài Việt thì rất khó để tránh được lối mòn. Đó là chưa kể, nói dài nói dai đâm ra nói dại. Như trường hợp giám khảo Trấn Thành đã khiến khán giả muốn “độn thổ” khi nói “giao hưởng hợp xướng” thành “giao hợp hưởng xướng” trên sóng truyền hình trực tiếp mới đây.
Thêm một điểm đáng chú ý, phần lớn các chương trình hài được chiếu vào “giờ vàng”, khán giả có cả trẻ em. Những động tác thân mật quá mức, dung tục quá đáng của các diễn viên trên màn ảnh nhỏ khiến người xem không khỏi khó chịu. Hài nhảm, hài tục, hài vô duyên sẽ trở thành “hài độc hại” khi trẻ con bắt chước.
“Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Được giải trí, được cười xả láng - nhất là vào những ngày cuối tuần là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, không thể vì thế mà nhắm mắt làm ngơ để nhà đài vô tư liên kết sản xuất, không kiểm soát chặt nội dung, để người ta có thể vô tư bưng bày những thứ kệch cỡm để mua vui?! Và khi chưa thể làm được gì nhiều, chúng ta - đặc biệt là các vị phụ huynh có con nhỏ nên cân nhắc cho con xem những chương trình này.
KHẢI THƯ
Cảm ơn t/g bài viết có lời nhận xét xác đáng. Mỗi lần bật TV lên , gặp CT này là tui chuyển kênh khác liền.