Thị trường vật liệu xây dựng: Nhiều biến động
Thông thường, tháng 2 Âm lịch mới là thời điểm các công trình xây dựng khởi công nhiều nhất trong năm, kéo theo sự “sôi động” của thị trường vật liệu xây dựng (VLXD). Tuy nhiên, mùa xây dựng năm nay đã khởi động từ sau Tết Nguyên đán. Một số mặt hàng VLXD đã biến động tăng cả về nhu cầu lẫn giá cả.
Giá thép, gạch xây tăng mạnh
Theo nhiều chủ cơ sở kinh doanh VLXD tại TP Quy Nhơn, khoảng nửa tháng trước là thời điểm tăng nóng nhất của giá thép. Nguyên nhân được lý giải một phần là ảnh hưởng từ quyết định Bộ Công Thương ban hành đầu tháng 3.2016. Theo đó, mức thuế tạm thời đối với phôi thép hiện là 23,3%, thép dài là 14,2% dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung (trước đó thuế nhập khẩu chỉ ở mức 10% đối với phôi thép và 0%-5% với thép dài). Ngay sau khi có quyết định này, giá thép trong nước tăng mạnh.
Nhiều nguyên nhân tác động khiến mặt hàng thép xây dựng từ đầu năm 2016 đến nay tăng giá liên tục.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phước, chủ DNTN Thương mại Hoài Thương (đường Bạch Đằng, TP Quy Nhơn), trên thực tế, tại thời điểm chưa công bố thuế tự vệ, giá thép đã tăng ngay sau Tết. Đến nay, giá thép tăng khoảng 20%. “Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thép trong mùa xây dựng năm nay tăng cao nên một số thời điểm bị thiếu hàng. Thay vì nhà máy hỗ trợ chuyển hàng về tận kho ở Quy Nhơn, các cơ sở phải tự đưa xe vào TP Hồ Chí Minh và “bơm” phí vận chuyển cho tài xế chờ vài ngày mới có hàng đưa về. Đó cũng là lý do khiến giá thép trong một số thời điểm cứ mỗi ngày một giá. Chỉ có năm nay chúng tôi mới rơi vào tình trạng này” - bà Phước cho hay.
Một chủ cơ sở kinh doanh VLXD khác cho biết: “Hiện nay, giá sắt thép thay đổi theo ngày nên việc báo giá cho khách hàng là rất khó. Ngoài ra, một số loại sắt thép chưa được đơn vị sản xuất “kéo” tiếp nên cơ sở không dám nhận đặt hàng của khách. Mấy ngày vừa qua, khá nhiều người đến “đặt cọc” sắt thép trước mà tôi không dám nhận, cứ nhập hàng đến đâu bán đến đó”.
Còn tại một cơ sở xây dựng trên đường Hoàng Văn Thụ, kho hàng còn khá nhiều thép cây và thép cuộn. Tuy nhiên, toàn bộ lô thép này đều đã được khách đặt tiền trước. Thời điểm này trên thị trường, giá thép cuộn dao động 11.000 - 12.000 đồng/kg; thép cây trên dưới 200 ngàn đồng/cây.
Trong khi đó, một mặt hàng khác cũng đang “cháy” hàng và biến động mạnh về giá là gạch xây. Giá mặt hàng này liên tục biến động theo tuần, thậm chí theo ngày, gây khó khăn cho người dân có nhu cầu xây dựng nhà ở. Vài tuần trở lại đây, gạch xây dựng các loại đồng loạt tăng 20-30%. “Hàng phụ thuộc vào các doanh nghiệp sản xuất nên thời điểm này tôi phải gọi điện thường xuyên, nhưng hàng về vẫn không đủ bán. Nhiều người muốn đặt trước nhưng tôi cũng không dám nhận vì giá thay đổi từng ngày” - chủ một doanh nghiệp buôn bán VLXD cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá gạch tuy nen hiện đứng ở mức 1.400-1.600 đồng/viên tùy loại, trong khi đầu năm nay chỉ có 1.150-1.250 đồng/viên. Nhiều cơ sở kinh doanh VLXD phải “đặt hàng” trước cho cơ sở sản xuất mới đủ cung cấp cho khách hàng. Điều đáng nói, có một nghịch lý là, trong khi gạch tuy nen giá tăng nhiều và một số thời điểm còn bị khan hàng thì gạch không nung vẫn ế ẩm dù giá “cạnh tranh” hơn.
Thị trường xây dựng bị tác động
Giá thép tăng mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà thầu xây dựng. Bởi thép và xi măng là hai loại vật liệu đóng vai trò quan trọng trong việc cấu thành sản phẩm, đặc biệt là với những công trình đang triển khai xây dựng phần móng và phần trụ.
Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Huệ (huyện Vĩnh Thạnh), trong cấu thành giá sản phẩm, thép và xi măng thường chiếm khoảng 30%-40%. Do đó khi giá thép tăng đột biến chắc chắn sẽ kéo theo giá nhà tăng và làm vỡ kế hoạch kinh doanh, thậm chí gây lỗ nặng cho nhà đầu tư. Đối với nhà ở xây dựng riêng lẻ, thép cũng chiếm khoảng 20% tổng giá trị phần thô, vì vậy chắc chắn giá thép tăng sẽ ảnh hưởng đến thị phần này. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều nhà thầu không muốn nhận thêm các công trình phải thi công phần móng, vì công đoạn này phải sử dụng quá nhiều thép và VLXD khác.
“Giá thép tăng lên sẽ buộc các doanh nghiệp đầu tư xây dựng phải có sự cân đối về mức giá chào bán ra thị trường, vì khi giá đầu vào tăng cao thì giá bán ra cũng phải tăng lên để cân đối lợi nhuận cho doanh nghiệp. Do đó, giải pháp mà các nhà thầu này đưa ra là với các dự án đang dự thầu bắt buộc phải tăng giá” - ông Thắng phân tích.
THU HIỀN