Hoàn thành nâng cấp đê khu Đông qua xã Phước Sơn - Phước Hòa:
Đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, bảo vệ đất sản xuất
Sở NN&PTNT vừa tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng hệ thống đê khu Đông (ĐKĐ) và các công trình trên đê đoạn qua địa bàn 2 xã Phước Sơn và Phước Hòa (huyện Tuy Phước). Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng tuyến đê này góp phần quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hàng ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp và nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
Dự án (DA) nâng cấp, sửa chữa ĐKĐ đoạn qua xã Phước Sơn và Phước Hòa thuộc DA nâng cấp hệ thống đê và trồng rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại có tổng giá trị xây lắp gần 79 tỉ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và vốn đối ứng của tỉnh, khởi công vào tháng 2.2015. Các hạng mục công trình được đầu tư nâng cấp gồm: đúc bê tông xi măng 8.808 m đê, trong đó, đoạn qua địa bàn xã Phước Sơn dài 4.302 m; đoạn qua địa bàn xã Phước Hòa dài 4.506 m; sửa chữa 4 tràn phân lũ (tràn Vinh Quang 1, Vinh Quang 2, Cái Sơn, Lộc Thượng); sửa chữa, nâng cấp 23 cống qua đê đóng mở bằng cửa van.
Cống Bà Ưa vừa được nâng cấp kiên cố. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Về đích đúng tiến độ
Ông Hồ Nguyên Sĩ, Phó Giám đốc Ban quản lý (BQL) DA Thủy lợi - đơn vị được Sở NN&PTNT giao làm chủ đầu tư công trình - cho biết: DA nâng cấp ĐKĐ qua địa bàn xã Phước Sơn và Phước Hòa là công trình thủy lợi quan trọng của huyện Tuy Phước, có vốn đầu tư lớn. Trên tổng chiều dài tuyến đê trên 8,8 km đều được đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đê kết hợp làm đường giao thông với chiều rộng mặt đê 5 m, tải trọng H10; mặt đê được gia cố bằng bê tông M250, dày 20 cm; mái đê được gia cố bằng tấm lát bê tông đúc sẵn M200 kiên cố; thân đê được đắp đất đồi đầm chặt.
Đối với các công trình trên đê, nâng cấp, mở rộng mặt tràn Vinh Quang 1, Vinh Quang 2, Cái Sơn, Lộc Thượng; đổ bê tông mặt tràn bằng bê tông cốt thép M300 dày 20 - 25 cm. Mái tràn được gia cố móng bằng dầm bê tông chân khay M250, làm mới tường chắn ở 2 phía đầu tràn; kéo dài đoạn dốc lên xuống tràn để đảm bảo an toàn giao thông. Sửa chữa các cống Tân Lập, Ông Ba, Chợ Đình, Ông Chiểu… Bổ sung các cánh cửa cống bằng thép không rỉ, đảm bảo việc ngăn mặn, giữ ngọt trên hệ thống đê.
Theo lãnh đạo BQL DA Thủy lợi, mặc dù gặp nhiều khó khăn do địa hình vận chuyển vật tư, vật liệu thi công khó khăn, kết cấu địa tầng thi công thân đê phức tạp, nguồn đất đắp thân đập không đảm bảo, mặt bằng thi công hạn chế, thiếu nguồn nước ngọt tại chỗ…; song được sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương, sự quyết tâm của các nhà thầu, nên các gói thầu từ số 1 đến số 5 đều hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Qua nghiệm thu, các hạng mục thi công đều đảm bảo chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật, phù hợp với các tiêu chuẩn, quy phạm xây dựng hiện hành, đúng đồ án thiết kế được duyệt, đảm bảo an toàn để đưa vào khai thác sử dụng.
Công trình nhiều ý nghĩa
DA nâng cấp ĐKĐ được xây dựng hoàn thành, ngoài ý nghĩa phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, còn có chức năng quan trọng trong việc phòng, chống xâm nhập mặn, giữ ngọt, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại cho các xã khu Đông Tuy Phước
Tại lễ bàn giao đưa vào khai thác sử dụng ĐKĐ, hàng trăm người dân ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước đã đến chung vui với sự kiện trọng đại này. Ông Nguyễn Xê, một hộ dân ở thôn Kim Đông, xã Phước Hòa, phấn khởi bộc bạch: “Việc Nhà nước đầu tư nâng cấp, kiên cố hệ thống ĐKĐ đáp ứng mong muốn của người dân địa phương. Trước đây, vào thời điểm này, do triều cường dâng cao, trong khi hệ thống đê “ốm yếu, ọp ẹp” nên hàng trăm hecta lúa ở các khu vực ven đê không thể sản xuất do bị nhiễm mặn. Bây giờ, khi hệ thống đê và các công trình trên đê được sửa chữa, nâng cấp, bà con chúng tôi rất yên tâm phát triển sản xuất”.
Cùng chung niềm vui, ông Nguyễn Minh Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, chia sẻ: ĐKĐ vừa được bê tông hóa vững chắc là đòn bẩy để người dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hàng trăm hộ dân sinh sống ven đê cũng xua tan nỗi lo sợ, thấp thỏm mỗi khi mùa mưa lũ về. Đây là tiền đề cho địa phương khai thác hết tiềm năng đất đai, diện tích mặt nước để phát triển sản xuất, nuôi trồng thủy sản, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Trần Kỳ Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước: DA nâng cấp ĐKĐ được xây dựng hoàn thành, ngoài ý nghĩa phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp, diêm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, còn có chức năng quan trọng trong việc phòng, chống xâm nhập mặn, giữ ngọt, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vùng đầm Thị Nại cho các xã khu Đông Tuy Phước. Hiện nay, hệ thống đê đã trở thành trục giao thông quan trọng dọc theo đầm Thị Nại, phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương.
NGUYỄN HÂN
Ông Lê Xuân Sơn, Trưởng BQL DA Thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT: Đến nay, 24,6 km đê và các công trình trên đê (13 tràn và 37 cống tiêu) đoạn từ phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) đến xã Phước Hòa (Tuy Phước) đã được kiên cố hóa. Việc đưa vào sử dụng toàn bộ hệ thống ĐKĐ có ý nghĩa lớn trong việc ngăn mặn, giữ ngọt cho 9.097 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; bảo vệ an toàn cho 147.342 người dân sống ven đê của 6 xã, phường gồm: Phước Hòa, Phước Sơn, Phước Thuận, thị trấn Tuy Phước, Nhơn Bình, Nhơn Phú.