Quản lý vận hành và khai thác công trình cấp nước tập trung:
Cần lựa chọn mô hình phù hợp
Hàng năm, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng các công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hiện có nhiều mô hình quản lý và khai thác nước sạch chưa phát huy hiệu quả.
Tỉnh ta hiện có 136 CTCNTT xây dựng tại các huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Mỹ… cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 238.100 người tại các địa phương có nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, nhiễm chất độc hóa học, nhiễm Fluor, nhiễm dầu... ở nông thôn.
Hiện có nhiều mô hình quản lý CTCNTT đang được áp dụng, bao gồm: mô hình quản lý do Trung tâm, Ban quản lý cấp nước huyện, doanh nghiệp, HTX, UBND xã, tư nhân và cộng đồng dân cư thực hiện. Trong đó, mô hình quản lý CTCNTT do UBND xã thực hiện là yếu nhất.
Thực tế cho thấy, sau khi nghiệm thu, nhiều địa phương đã cử một nhóm người tham gia vận hành, dưới sự quản lý kỹ thuật và tài chính của chủ tịch xã. Tuy nhiên, nhóm hoặc tổ quản lý công trình thường làm kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau, không có chuyên môn về lĩnh vực nước sạch, công tác vệ sinh hệ thống xử lý nước ít được thực hiện; vật liệu lọc, hóa chất xử lý nước không được thay thế, bổ sung kịp thời; chất lượng nước cấp không được kiểm soát. Mặt khác, cơ chế tài chính tổ quản lý không rõ ràng, có công trình nguồn thu lớn, nhưng không có kinh phí phục vụ duy tu bảo dưỡng, khi công trình bị hỏng thì không chủ động được nguồn kinh phí để khắc phục; từ đó gây lãng phí tiền của của Nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân.
Qua kiểm tra tổng thể 136 CTCNTT ở 11 huyện, thị xã, thành phố, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phát hiện có 27 công trình bị hư hỏng không hoạt động. Điều đáng lo ngại hơn, nhiều CTCNTT có chất lượng nước sau khi xử lý chưa đảm bảo tiêu chuẩn. Công tác vệ sinh bể lọc nước tại cụm đầu mối CTCNTT cũng chưa được quan tâm. Khâu xử lý, khử trùng nước để điều chỉnh, cân đối các thành phần vô cơ, vi sinh vật và tiêu diệt vi khuẩn trong nước là rất quan trọng, nhưng nhiều đơn vị quản lý, khai thác công trình không thực hiện công đoạn này, hoặc có thực hiện nhưng không đảm bảo yêu cầu. Do đó, nguồn nước cấp cho dân sử dụng không đảm bảo tiêu chuẩn như thời điểm công trình mới đưa vào sử dụng.
Theo ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, để khắc phục những hạn chế, tồn tại nói trên, cần phải lựa chọn mô hình quản lý phù hợp. Đối với các công trình trước đây Sở NN-PTNT đầu tư xây dựng, như: CTCNTT Ân Tường Tây (Hoài Ân), Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), Bình Tân (Tây Sơn), thị trấn Vĩnh Thạnh (Vĩnh Thạnh)… đã giao cho địa phương quản lý vận hành nhưng không phát huy được hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương bàn giao lại cho Sở để tổ chức quản lý vận hành theo hình thức: Trung tâm quản lý công trình xử lý nước sạch và chịu trách nhiệm bán buôn; địa phương quản lý đường ống phân phối nước và chịu trách nhiệm bán lẻ. Những công trình, giá nước do địa phương tự ban hành hoặc không phù hợp thì cần xây dựng phương án giá nước sạch trên cơ sở tính đúng, tính đủ, báo cáo đơn vị chủ quản để có văn bản gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành CTCNTT nông thôn hiện có; nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND, ngày 11.1.2010 của UBND tỉnh và Quyết định số 98/QĐ-UBND, ngày 3.3.2010 về việc ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Bình Định. Đồng thời, kiện toàn bộ máy quản lý, nhân lực của các đơn vị quản lý, vận hành công trình, cương quyết thay thế các cá nhân, đơn vị không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, thiếu trách nhiệm dẫn đến chất lượng nước cấp không đảm bảo theo quy định.
PHẠM TIẾN SỸ