Sản xuất lúa lai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Hiệu quả thiết thực
Nhằm chuyển giao các tiến bộ KHKT trồng lúa nước đến đồng bào dân tộc thiểu số (ÐBDTTS) ở những vùng đặc biệt khó khăn, giúp người dân ổn định sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, trong những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện chính sách hỗ trợ giống lúa lai cho ÐBDTTS và đã đạt kết quả khả quan.
ĐBDTTS xã Vĩnh Thuận (Vĩnh Thạnh) thu hoạch lúa ĐX 2015-2016. Ảnh: XUÂN DŨNG
Theo số liệu của Trung tâm giống cây trồng tỉnh, từ năm 2010 đến vụ Đông Xuân (ĐX) 2015-2016, tổng kinh phí tỉnh hỗ trợ đầu tư giống lúa lai cho ĐBDTTS trên 35,17 tỉ đồng, để sản xuất 10.696,5 ha lúa lai; năng suất bình quân 63,7 tạ/ha, cao hơn lúa thuần 10,03 tạ/ha. Nếu tính giá lúa bình quân 6.000đ/kg tại thời điểm hiện nay thì lợi nhuận lúa lai cao hơn lúa thuần 6,18 triệu đồng/ha. Tổng lợi nhuận từ việc sản xuất lúa lai của hộ ĐBDTTS (sản xuất từ năm 2010 đến vụ ĐX 2015-2016) cao hơn sản xuất lúa thuần trên 66,1 tỉ đồng; bình quân lợi nhuận mang lại cho ĐBDTTS từ việc sản xuất lúa lai cao hơn so với sản xuất lúa thuần gần 9,3 tỉ đồng/năm.
Ông Nguyễn Bá Hồng, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Lúa lai phát huy hiệu quả trên vùng đất xấu, độ phì thấp, vùng trung du, miền núi; đặc biệt phát huy rõ nét đối với các huyện trung du, miền núi như Tây Sơn, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, An Lão. Khả năng thích nghi của giống lúa lai trong điều kiện sinh thái tại các vùng trung du, miền núi, vùng khó khăn lương thực của tỉnh cũng như năng suất lúa lai đều đạt và vượt trội so sản xuất lúa thuần. Năng suất bình quân của lúa lai vùng ĐBDTTS qua các năm đạt 61-68,5 tạ/ha, tăng so với sản xuất lúa thuần từ 8-20 tạ/ha. Đây là điều kiện để bố trí sản xuất bằng giống lúa lai trên những vùng đất xấu, vùng khó khăn về lương thực, vùng sâu, vùng xa để giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ; giải quyết vững chắc an ninh lương thực ở vùng khó khăn; góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin cho hộ nông dân ĐBDTTS, làm cho bà con chủ động, tin tưởng và mở rộng diện tích sản xuất lúa lai trong những năm tiếp theo.
Ngoài ra, khi sản xuất lúa lai mật độ gieo sạ thấp (2-2,5 kg/sào), mật độ thưa nên sâu bệnh giảm; lúa lai có khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn lúa thuần nên hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật đưa xuống đồng ruộng, bảo vệ môi trường sinh thái tốt hơn.
ĐINH VĂN TOẠI