Viết tiếp bài “Rừng phòng hộ hồ Vạn Ðịnh, xã Mỹ Lộc (huyện Phù Mỹ) bị tàn phá, xã không hay (!)”:
Sẽ nhổ bỏ toàn bộ cây lâm nghiệp trồng trái phép
Liên quan đến vụ “Rừng phòng hộ hồ Vạn Ðịnh thuộc xã Mỹ Lộc (Phù Mỹ) bị tàn phá, xã không hay” (báo Bình Định số ra ngày 17.3.2016), ngày 11.4, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết: Sau ngày 25.4.2016, lực lượng chức năng, bao gồm: Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện phối hợp UBND xã Mỹ Lộc thực hiện việc nhổ bỏ toàn bộ diện tích cây lâm nghiệp được trồng trái phép trên diện tích rừng phòng hộ bị chặt phá và đất lâm nghiệp đã lấn chiếm.
Dù địa phương và ngành chức năng dựng tấm bảng nghiêm cấm chặt phá rừng phòng hộ dưới chân đập hồ Vạn Định, song rừng ở đây vẫn bị chặt phá trắng trợn.
Theo kế hoạch, công việc nhổ bỏ cây lâm nghiệp phải thực hiện trong cuối tháng 3.2016; tuy nhiên, thời gian qua có nhiều sự kiện lớn và những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hơn nên huyện Phù Mỹ chưa thể thực hiện được.
Về vấn đề trên, ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc BQLRPH huyện Phù Mỹ - đơn vị được ngành chức năng phân cấp quản lý diện tích rừng phòng hộ hồ Vạn Định - thông tin: Hiện tại Ban giám đốc đang phối hợp với UBND xã Mỹ Lộc thông báo rộng rãi ý kiến chỉ đạo của huyện về việc nhổ bỏ cây lâm nghiệp đang trồng trái phép trong khu vực lòng hồ Vạn Định đến đông đảo người dân ở địa phương. Nếu đến ngày 25.4 những người vi phạm không tự nguyện nhổ bỏ, giao lại đất rừng cho đơn vị chức năng thì Tổ công tác sẽ tiến hành nhổ và phá bỏ toàn bộ 18 ha cây lâm nghiệp (chủ yếu cây keo lai) đang trồng trái phép tại tiểu khu 131 (hồ Vạn Định, xã Mỹ Lộc).
Để hạn chế và ngăn chặn các trường hợp chặt phá rừng, lấn chiếm đất ở khu vực lòng hồ Vạn Định, hiện nay, BQLRPH huyện Phù Mỹ đã bố trí và chỉ đạo 2 cán bộ của Ban phối hợp với Kiểm lâm địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý và bảo vệ rừng tại đây. Tuy vậy, ông Thăng thừa nhận việc kiểm soát và ngăn chặn, giải quyết dứt diểm nạn phá rừng ở khu vực này là rất khó khăn. “Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở khu vực lòng hồ Vạn Định quá lớn; lực lượng lại mỏng nên không thể kiểm soát xuể. Hiện nay, Ban đã đề nghị UBND xã Mỹ Lộc chi viện lực lượng; đồng thời, yêu cầu Đài truyền thanh xã liên tục thông tin về công tác quản lý, bảo vệ rừng để nhân dân biết và thực hiện”, ông Thăng cho biết.
Trong số 6,75 ha đất lâm nghiệp do UBND xã Mỹ Lộc quản lý đã bị người dân ở địa phương lấn chiếm trước đó để trồng keo lai; đến nay, xã Mỹ Lộc đã thực hiện nhổ bỏ được khoảng 1,5 ha; công việc này đang tiếp tục thực hiện. “Để xảy ra tình trạng này, xã có phần lỗi khi chưa sát sao trong công tác quản lý tài nguyên ở địa phương. Hướng xử lý của xã là sẽ cương quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và nhổ bỏ hết diện tích đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây trái phép”, ông Đặng Đình Kha, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, nêu quan điểm.
Báo Bình Định sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc về việc xử lý nạn phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp nghiêm trọng này.
TRỌNG LỢI