Thâm hụt ngân sách quá lớn, lạm phát sẽ tăng cao?
Các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ lo ngại lãi suất và lạm phát năm nay sẽ tăng cao. Nguyên nhân chính là do thâm hụt ngân sách quá lớn, thu không đủ chi cộng với áp lực trả nợ công.
Chiều 12.4, tại lễ công bố Báo cáo kinh tế Việt Nam quý 1-2016 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ lo ngại lãi suất và lạm phát năm nay sẽ tăng cao.
Nguyên nhân chính là do thâm hụt ngân sách quá lớn, thu không đủ chi cộng với áp lực trả nợ công.
Lạm phát tăng sẽ tạo áp lực rất lớn lên lãi suất, doanh nghiệp lại càng khó khăn
Lạm phát cả năm dự báo 4-5%
Trong Báo cáo kinh tế VN quý 1 năm nay, TS Nguyễn Đức Thành, giám đốc VEPR, cho biết lạm phát có xu hướng tăng trở lại khi đạt mức 1,69% vào cuối tháng 3, chủ yếu do viện phí, học phí đã tăng mạnh.
Và dự báo lạm phát năm nay đạt mức 4-5% do học phí sẽ tăng mạnh vào tháng 9 tới. Trong khi đó ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng sức ép lạm phát còn do giá xăng dầu đang bắt đầu có xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh lại cho rằng điều đáng lo nhất là mất cân đối thu chi ngân sách. Theo ông Ánh, khi thâm hụt ngân sách, thông thường có ba cách để bù đắp là vay trong nước, vay nước ngoài và việc thường không được nói ra là in tiền. Thực tế việc vay nước ngoài đã có dấu hiệu khó nên sẽ xoay xở để vay trong nước.
Nếu vay trong nước, Chính phủ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp thông qua việc tăng lãi suất và rút ngắn thời hạn vay.
“Do đó, lạm phát năm nay hoàn toàn có thể xảy ra do ngân sách bị thâm hụt. Chắc chắn sức ép này sẽ tác động lên mặt bằng lãi suất lớn hơn rất nhiều so với việc mấy ngân hàng thương mại chạy đua nâng lãi suất” - ông Ánh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, lãi suất đang có dấu hiệu tăng lên, không chỉ ở ngân hàng nhỏ mà kể cả ngân hàng lớn cũng tăng rồi.
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng lãi suất huy động đã tăng nên khó có thể giữ được lãi suất cho vay không tăng. Và khi lãi suất tăng sẽ tạo sức ép lên tỉ giá và lạm phát, nhưng Ngân hàng Nhà nước chắc chắn có chính sách hạn chế mức tăng lãi suất quá mức.
“Một trong những giải pháp là nên hạn chế cho vay bất động sản. Tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn mức 40% là cần thiết nhưng không nên áp dụng đồng loạt với tất cả ngân hàng. Mặt khác, ngân hàng có thể sử dụng thị trường mở để tái cấp vốn cho doanh nghiệp, hạn chế mức tăng quá đáng của lãi suất” - ông Tuyển khuyến nghị.
Sẽ tận thu để bù thiếu hụt ngân sách?
Cũng theo ông Ánh, Chính phủ và Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định năm 2016 là đỉnh điểm vay nợ công và sang năm 2017-2018 chỉ tiêu này sẽ giảm dần. Tuy nhiên, nợ công vẫn nhiều khả năng tăng trong năm 2017-2018 trước khi bắt đầu giảm. “Nợ chính phủ đã vượt trần cho phép nhưng lấy đâu tiền để trả? Nhưng nợ vẫn phải trả và ngân sách vẫn ưu tiên chi trả nợ” - ông Ánh nói.
Cũng theo ông Ánh, ngân sách khó khăn khi thu không đủ chi, đầu tư phải trông vào đi vay. Nhiều năm nay, ngân sách chi đầu tư ngày càng giảm, còn chi thường xuyên không đủ. Nên toàn bộ khoản trả nợ là phải đi vay, tức là vay để trả nợ vay và điều này tạo ra vòng xoáy rất lớn khi các điều kiện vay ưu đãi, thời hạn, lãi suất đi vay sẽ căng thẳng hơn rất nhiều so với giai đoạn trước đây.
Làm thế nào để có tiền trả nợ, liệu có chuyện tăng thuế để bù đắp hụt thu ngân sách hay không? Theo các chuyên gia, sẽ không có chuyện tăng thuế bởi liên quan đến cam kết quốc tế... Tuy nhiên trong thực tế điều hành, Nhà nước có khả năng sẽ tăng thu.
Cụ thể với mỗi khoản thuế lâu nay có dư địa thất thoát trong quá trình hành thu, còn đến nay cơ quan thuế, hải quan sẽ thắt chặt hơn rất nhiều vì họ bị giao chỉ tiêu thu. Chưa kể Bộ Tài chính cũng xem xét tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu bởi đây là khoản thu dễ nhất.
Ông Tuyển cho rằng không tăng một số loại thuế bởi vướng luật, nhưng có thể tận thu do ngân sách thâm hụt. Chẳng hạn với thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ có một số khoản trước đây là chi phí hợp lý, hợp lệ, nhưng tới đây có thể khoản chi đó sẽ không được tính là chi phí hợp lý trước khi tính thuế nữa.
Cũng theo ông Tuyển, việc tận thu đối với doanh nghiệp thể hiện rất rõ qua giá dầu giảm trong năm 2015. Số thu từ dầu thô giảm mạnh nhưng thu từ doanh nghiệp tăng lên.
7,3 tỉ USD được gửi ra nước ngoài
Theo Báo cáo kinh tế VN, tính đến quý 3-2015 cán cân thanh toán đã có những diễn biến bất thường sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào tháng 8-2015.
Tiền gửi nước ngoài của VN gia tăng đột biến tới 7,3 tỉ USD, ngược lại với trước đây khi chúng ta chỉ vay và nhận ngoại tệ từ nước ngoài. Đại diện nhóm nghiên cứu VEPR giải thích có thể do ngân hàng trong nước huy động USD nhưng không cho vay được.
Do vậy, giải pháp duy nhất là phải gửi USD ở ngân hàng nước ngoài để vớt vát lại lợi nhuận. Thực tế này vẫn có thể diễn ra ở thời điểm hiện nay khi lãi suất huy động USD áp mức 0%/năm.
Ngoài ra, theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế gây thất vọng khi chỉ đạt 5,46%, thấp hơn mức 6,12% năm 2015.
Đồng loạt chỉ tiêu kinh tế khác cũng suy giảm như công nghiệp chỉ đạt 6,3%, trong khi những năm trước đều đạt mức 10%. Khu vực kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp giảm 1,23%, chủ yếu do giảm sản lượng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long và cây trồng vụ đông tại miền Bắc.
* Ông Nguyễn Trí Kiên (tổng giám đốc Công ty Miti):
Khó khăn vẫn bủa vây doanh nghiệp
Trong quý 1, tình hình kinh doanh chung của các doanh nghiệp khá hẩm hiu, sức mua có dấu hiệu chững lại.
Trong khi nền kinh tế chưa thật sự phục hồi, có nhiều yếu tố cho thấy lãi suất rục rịch tăng dù đáng ra phải giảm vì so với các nước trong khu vực, doanh nghiệp VN đang phải trả phí lãi vay quá cao.
Giá điện cũng có dấu hiệu tăng rồi phí cầu đường, vận tải... đang được tích cực tăng thu. Phí vận chuyển nội bộ hiện là bài toán đau đầu của các doanh nghiệp VN.
Thời gian qua, doanh nghiệp tích cực mở rộng thị trường, đi về các vùng hàng hóa VN chưa vươn tới, nhưng mọi nỗ lực của doanh nghiệp có bị bay mất nếu lạm phát tăng cao?
Điều mà tôi nghĩ cộng đồng doanh nghiệp cần nhất là những thông điệp mới từ Chính phủ mới để biết nền kinh tế sắp tới như thế nào mà yên tâm sản xuất kinh doanh.
Theo LÊ THANH (TTO)