Đàn ông Việt mắc nhiều loại ung thư dạng khó chữa
Nam giới VN mắc nhiều loại ung thư khó chữa như ung thư phổi, ung thư gan, tỉ lệ đến bệnh viện ở giai đoạn muộn rất cao, được phát hiện mắc bệnh khi bệnh đã ở giai đoạn 3 trở lên.
Khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng
Thông tin này được công bố tại Hội thảo tiếp cận điều trị ung thư hiệu quả và đáp ứng khả năng chi trả, được tổ chức ngày 12.4 tại Hà Nội.
Theo báo cáo tại hội thảo, chỉ tính gánh nặng kinh tế trực tiếp và gián tiếp của 6 loại ung thư thường gặp là ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại trực tràng, khoang miệng và dạ dày, thì thiệt hại mỗi năm đã lên tới gần 26.000 tỉ đồng (con số này được ước tính năm 2012, tương đương 0,22% GDP).
Qua khảo sát trên gần 1.200 bệnh nhân điều trị tại 3 bệnh viện K, Bạch Mai, Ung bướu TP.HCM, ở thời điểm nghiên cứu có trên 22% bệnh nhân cho biết họ có gặp khó khăn về tài chính trong vòng 12 tháng kể từ khi phát hiện bệnh, trong số đó có gần 34% cho biết không thể mua thuốc, trên 10% không thể thanh toán vật tư y tế, trên 15% không thể thanh toán tiền ăn uống, trên 12% không thể trả học phí cho con…
Một năm sau tiếp tục khảo sát ở 558 bệnh nhân còn sống và không gặp khó khăn ở giai đoạn trước, thì tiếp tục có 41% cho biết có khó khăn về tài chính.
Qua phân tích dữ liệu bệnh nhân, có đến hơn 1/3 bệnh nhân ở nhóm 25-49 tuổi, lứa tuổi vốn được cho là sung sức về sức khỏe và khả năng lao động. Trong số bệnh nhân ung thư được khảo sát, cho thấy 5 loại ung thư phổ biến nhất ở cả nam và nữ ở VN là ung thư đường tiêu hóa (trên 22%), ung thư vú (trên 20%), ung thư phụ khoa gần 15%, ung thư đầu cổ gần 11% và ung thư phế quản, phổi gần 9%.
Tài chính điều trị bệnh ung thư và khả năng tiếp cận các thuốc mới là vấn đề còn khó khăn ở VN, mặc dù 2 năm 2014-2015, Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả khoảng 4.400 tỉ đồng cho điều trị ung thư. Tuy nhiên hiện chưa có quy định về việc quỹ bảo hiểm chi trả phí khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư, khiến việc mở rộng khám và sàng lọc ung thư sớm còn gặp nhiều khó khăn.
Theo L.ANH (TTO)