Quanh việc không sử dụng linh vật không phù hợp ở địa bàn TP Quy Nhơn
TP Quy Nhơn sau hơn một năm rưỡi triển khai thực hiện công văn số 2662 ngày 8.8.2014 của Bộ VH-TT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam (gọi tắt là linh vật không phù hợp),đã có được một số kết quả tại các di tích.
Tuy nhiên, linh vật không phù hợp hiện vẫn còn “án ngữ” tại khá nhiều trụ sở doanh nghiệp, cửa hàng… trên địa bàn TP Quy Nhơn.
Di tích và công sở thực hiện nghiêm túc
Trên địa bàn TP Quy Nhơn hiện có 12 di tích đã được xếp hạng. Trong số này, có 3 di tích nằm trong nhóm các địa điểm có “nguy cơ” vốn thường trưng bày, trang trí linh vật, cần kiểm tra theo nội dung Công văn 2662 (khu di tích, đình, chùa) là Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Chùa Ông Nhiêu (Đền Quan Thánh) và Đình Cẩm Thượng đều đã được kiểm tra (các di tích còn lại không có trưng bày linh vật).
Sư tử đá (linh vật ngoại lai mà Công văn 2662 khuyến cáo không sử dụng) được trưng bày tại một nhà hàng trên đường Võ Lai (ảnh trên) và trụ sở một ngân hàng trên đường Lê Duẩn (ảnh dưới).
3 di tích kể trên (cùng với một số di tích khác trên địa bàn tỉnh) được Đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL về trực tiếp kiểm tra tại Bình Định trong tháng 11.2014. Kết quả, chỉ có Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo có trưng bày 1 đôi sư tử đá trong sân tiền sảnh Đền thờ. Theo Trưởng phòng VH-TT TP Quy Nhơn Lê Ngọc Anh, sau khi bàn bạc, thống nhất với địa phương (UBND phường Thị Nại) và Ban quản lý di tích, thực hiện chỉ đạo của Sở VH-TT&DL, việc tháo dỡ, đưa cặp sư tử đá ra khỏi di tích đã hoàn thành từ trước Tết Nguyên đán 2015.
Đến nay, tuy “tính thời sự” của Công văn 2662 đã “hạ nhiệt” so với thời điểm mới được ban hành, song Phòng VH-TT Quy Nhơn vẫn tiếp tục rà soát, nhắc nhở các ban quản lý di tích thực hiện tinh thần công văn trên.
Được biết, ngày 10.3.2016, lãnh đạo Phòng VH-TT Quy Nhơn, UBND phường Trần Hưng Đạo và Ban quản lý Chùa Ông Nhiêu đã có buổi làm việc với nội dung là kiểm tra, rà soát lại các biểu tượng, linh vật không phù hợp tại di tích. Ông Lê Văn Tráng, Phó Ban quản lý di tích Chùa Ông Nhiêu, cho biết: “Trong đợt Bộ, Sở đến kiểm tra tại di tích thì không tồn tại tình trạng trưng bày linh vật không phù hợp, nhưng mắc phải một số lỗi nhỏ về cách bài trí, thờ tự. Từ ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng, chúng tôi đã cho khắc phục ngay…”.
nên vận động không sử dụng “vật trang trí không phù hợp”
Tuy nhiên, tại các trụ sở doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhà hàng…, việc hưởng ứng công văn 2662 chưa thật sự tốt. Ghi nhận sơ bộ qua các đường phố Lê Duẩn, Võ Lai…, dễ dàng nhận thấy, linh vật không phù hợp mà phổ biến là sư tử đá đứng trên bệ, đặt chân lên khối tròn… vẫn còn tồn tại ở cổng, tiền sảnh, lối vào chính những nơi này. Có thể chủ các doanh nghiệp, nhà hàng trên chưa nghe qua công văn 2662 hoặc đã nghe nhưng chưa thuận ý, hưởng ứng…
Ông Lê Ngọc Anh nhìn nhận: “Công văn 2662 cấm di tích do Nhà nước quản lý sử dụng linh vật không phù hợp, còn trường hợp địa điểm công cộng, doanh nghiệp, nhà ở… thì áp dụng hình thức tuyên truyền vận động để chủ sở hữu tháo dỡ linh vật, biểu tượng không phù hợp. Do vậy, tình trạng tồn tại linh vật không phù hợp tại những nơi này cũng như cần phải có thêm thời gian tác động là điều dễ hiểu. Phòng VH-TT Quy Nhơn đã sao gửi công văn 2662 của Bộ cũng như những văn bản của Sở VH-TT&DL về nội dung trên gửi tất cả xã, phường để làm việc với từng trường hợp cụ thể đóng trên địa bàn. Cá nhân tôi cho rằng đây là việc khó thực hiện trong một thời gian ngắn, bởi nhiều người chỉ xem đó như vật trang trí thông thường, không sử dụng với ý nghĩa là “linh vật”. Vì vậy điều quan trọng là cần thời gian và hiệu quả tuyên truyền để những tổ chức, cá nhân đang sử dụng, trưng bày tự ý thức để cùng chung tay thực hiện…”.
SAO LY
Tôi là một chủ cơ sở nhà hàng trên đường Võ Lai mà tác giả bài viết có đề cập là con đường này dễ dàng nhận thấy linh vật không phù hợp vẫn còn tồn tại. Tôi xin có ý kiến trao đổi lại tác giả như sau. Với nhận định này tôi cho là chưa phù hợp. Bởi lẽ, khi một chủ trương nào ra đời cũng phải có sự tuyên truyền, vận động để người dân và chủ các cơ sở thông hiểu. Tuy nhiên, với việc triển khai như Công văn 2662, thật sự chúng tôi chưa hề nghe thông tin về việc không đặt các linh vật ngoại lai từ chính cơ quan quản lý văn hóa. Kể cả như thông tin bài viết này, cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ quan tâm đến các cơ sở nhà nước, chứ đã có quan tâm nào về việc cung cấp thông tin cho các cơ sở bên ngoài nhà nước đâu mà đòi chúng tôi biết. Chủ trương đã không tới được chúng tôi. Đã thế, tác giả lại võ đoán kết luận là chúng tôi đã nghe nhưng chưa thuận ý, hưởng ứng mà có thấy dòng nào tác giả đề cập, hay đến hỏi một chủ cơ sở nào hiện đang đặt tượng linh vật ngoại lai để nghe người ta nói đâu. Tại sao trước khi đưa ra bài viết này, tác giả lại không nghe tiếng nói từ 2 phía, mà cứ chăm chăm vào cơ quan quản lý nhà nước mà phán xét những cơ sở còn lại. Báo chí có sức ảnh hưởng và tác động lớn đến các hoạt động, lĩnh vực, đặc biệt với các cơ sở tư nhân như chúng tôi. Nên khi Báo Bình Định quyết định đăng thông tin nên có sự kiểm chứng và tìm hiểu thấu đáo, tránh thông tin một chiều kiểu như bài viết này mà ảnh hưởng đến những người dân kinh doanh vốn gặp nhiều khó khăn, giờ còn bị mang tiếng như chúng tôi. Đôi lời cùng quý báo! NGUYỄN NGỌC MAI