Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Sưu tầm, trưng bày công cụ sản xuất truyền thống
Cùng với tiến trình hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, ngày càng nhiều công cụ sản xuất truyền thống không còn được sử dụng. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã và đang thực hiện các đề tài sưu tầm và trưng bày về các hiện vật này, nhằm lưu giữ những nét văn hóa sản xuất truyền thống.
Trước kia, hầu như ở địa phương nào trên địa bàn tỉnh cũng có ít nhất vài lò ép mía, nấu đường, nhưng có lẽ nhiều nhất là vùng Tây Sơn. Đây cũng chính là địa bàn cán bộ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đi khảo sát đã may mắn bắt gặp, sưu tầm được chiếc che ép mía được làm hoàn toàn bằng gỗ đúng kiểu truyền thống. Chiếc che ép mía này được cho “nghỉ hưu” nhiều năm và đang bị mối mọt xâm hại. Khi chưa có máy móc, việc sản xuất đường từ mía chủ yếu được làm từ che ép mía. Việc lựa chọn gỗ để làm che ép mía đòi hỏi những loại gỗ tốt, cứng và bền. Che ép mía thường có loại 2 trục và loại 3 trục. Trong đó, loại 3 trục phổ biến hơn, gồm 1 ống che đực và 2 ống che cái, máng mâm, khẩu, trụ, dây nài và đòn gánh. Phần trên của che đục đẽo thành những khớp răng gọi là tai che (nhông) để bám vào xoay tròn. Để tạo ra được những chiếc bánh răng bằng gỗ, ăn nhập với nhau và chuyển động êm ái thì đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và lành nghề, chịu khó thực hiện tỉ mỉ trong nhiều ngày.
Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cũng sưu tầm được chiếc cối xay lúa làm bằng tre và đất nện. Thời còn thịnh hành, muốn sở hữu một chiếc cối xay lúa thì người ta phải bỏ ra một số tiền không nhỏ. Có những nơi ít thợ làm thì phải đặt cọc tiền trước cả tháng trời, thậm chí bỏ tiền ra nuôi thợ ăn ở tại nhà để hoàn thành một chiếc cối xay lúa. Việc làm ra những chiếc cối xay lúa này cũng công phu. Đầu tiên người ta phải chọn tre thật tốt để đan các chiếc dừng bên ngoài, sau đó người ta sẽ chọn một loại đất sét làm kỹ để lèn vào trong lòng cối. Việc tạo bề mặt tiếp xúc giữa thớt trên và thớt dưới của cối (bề mặt nghiền) là rất quan trọng và đòi hỏi phải có kỹ thuật. Việc căn chỉnh trọng lượng thớt trên của cối cũng quyết định sự thành công của việc nghiền nát vỏ lúa mà không làm nát hạt gạo bên trong.
Một công cụ sản xuất khác được sưu tầm là cối xay bột bằng đá. Đá sử dụng làm cối thường là đá Chàm (đá xanh) có độ bền và độ cứng cao. Cối thường gồm hai thớt được làm khá công phu: thớt trên đục dạng khối tròn, mặt trên được khoét lõm xuống để chứa loại hạt cần xay. Phần lõm xuống này còn đục một lỗ nhỏ thông xuống mặt tiếp xúc của thớt phía dưới. Thớt phía trên còn trổ hai tai nhô ra, đục lỗ để cắm cán cầm bằng gỗ để người sử dụng cầm quay cối khi xay bột. Mặt dưới thớt trên còn đục một lỗ chính giữa tâm để gắn trục quay. Thớt phía dưới (đứng yên chứ không quay) cũng có dáng tròn nhưng đường kính lớn hơn thớt phía trên. Thớt này được xẻ rãnh hình lòng máng chạy xung quanh, nước bột xay mịn sẽ chảy theo rãnh này để chảy ra dụng cụ đựng...
Hiện trong các hộ gia đình ở nông thôn đã khó tìm thấy các loại công cụ sản xuất nêu trên. Ngoài ra còn rất nhiều các công cụ sản xuất thủ công khác cũng đang có nguy cơ mất dần. Vì vậy, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đang tiếp tục sưu tầm và trưng bày về các hiện vật này, để gìn giữ cho các thế hệ sau có thể biết được các công cụ sản xuất truyền thống một thời của cha ông.
NGUYÊN VIỆT