Chủ động đối phó với Zika
Với 2 ca mắc vừa được phát hiện tại Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh, dịch bệnh do vi-rút Zika trở thành mối lo hiện hữu. Cùng với cả nước, ngành Y tế Bình Định đã và đang khẩn trương triển khai các biện pháp để đối phó hiệu quả với Zika.
Khánh Hòa và TP Hồ Chí Minh đều là các địa phương có sự giao lưu thương mại, du lịch rất rộng rãi với các tỉnh khác. Trong khi đó, tại Bình Định đang lưu hành muỗi Aedes - loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết (SXH) lẫn Zika. Từ đầu năm 2016 đến 11.4, cả tỉnh đã ghi nhận 2.396 ca SXH, 133 ổ dịch; 95/159 xã ở 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã có ca bệnh. Nguy cơ lây truyền vi-rút Zika là rất lớn.
Nguy cơ rất lớn, khẩn trương vào cuộc
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, gần 80% trường hợp mắc bệnh do vi-rút Zika không có triệu chứng báo trước, rất khó phát hiện, chẩn đoán, khống chế dịch. Hiện cũng chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và phương pháp xét nghiệm chẩn đoán nhanh. “Căn cứ vào tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể lan rộng cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống”, ông Hùng phân tích.
Cán bộ y tế bắt muỗi tại phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) vào sáng 12.4.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh, các địa phương và ngành Y tế rất quan tâm đến công tác phòng, chống. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Đáng chú ý, các hoạt động chuyên môn đã được triển khai đồng bộ: tăng cường giám sát dịch bệnh SXH, Zika tại cộng đồng; tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh do vi-rút Zika cho cán bộ y tế; truyền thông, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống; duy trì hoạt động kiểm dịch y tế tại cảng biển, sân bay; đảm bảo công tác hậu cần, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư phòng chống dịch ở tất cả các tuyến, bảo đảm chủ động xử lý dịch…
Đáng chú ý, đến thời điểm này, các Chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế vẫn chưa được bố trí kinh phí từ Trung ương. Để triển khai các hoạt động phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí từ nguồn phòng chống SXH để mua hóa chất, trả công phun diệt muỗi phòng Zika. Tỉnh cũng lưu ý cơ quan Tài chính linh hoạt xử lý các đề xuất của ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch.
“Ngày 15.4, tỉnh tổ chức lễ phát động chiến dịch phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika và SXH trên địa bàn. Sau buổi lễ sẽ tiến hành ra quân vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn. Hoạt động này sẽ được nhân rộng, với sự tham gia của cả cộng đồng”, ông Thanh cho hay.
Tập trung hơn cho truyền thông
Ngày 12.4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang Viên Quang Mai dẫn đầu đã kiểm tra tình hình triển khai công tác phòng chống dịch bệnh do vi-rút Zika tại Bình Định. Buổi sáng, đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tại phường Hải Cảng (TP. Quy Nhơn), Cảng Quy Nhơn và BVĐK tỉnh. Buổi chiều, đoàn làm việc với UBND tỉnh và các sở, đơn vị liên quan.
Kết quả kiểm tra tại 20 hộ dân và địa bàn xung quanh ở khu vực 5 phường Hải Cảng cho thấy, vẫn còn tình trạng bọ gậy “lúc nhúc” trong lọ hoa và lốp xe cũ. Trong khi đó, tại Cảng Quy Nhơn, một số thuyền viên Trung Quốc, Đài Loan cho biết không thể đọc được thông điệp trên tờ rơi phòng chống Zika. “Bình Định cần tập trung nhiều hơn cho công tác truyền thông, hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa để huy động người dân tham gia diệt muỗi, diệt bọ gậy. Ngoài tiếng Việt và tiếng Anh, các sản phẩm truyền thông cần có cả tiếng Hoa. Hoạt động tuyên truyền cần đúng mức, tránh gây hoảng loạn, nhưng cũng không lơ là”, ông Mai nhấn mạnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh, các địa phương và ngành Y tế rất quan tâm đến công tác phòng, chống. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên địa bàn
Ông Mai cũng đề nghị tỉnh chuẩn bị sẵn hóa chất, thuốc men, tổ chức đợt phun cao điểm vào tháng 5-6, tập trung vào các ổ dịch cũ, nguy cơ cao, “đón đầu” ở các điểm nóng với lượng học sinh đổ về TP. Quy Nhơn thi tuyển sinh, để các em không trở thành mầm bệnh. Trong công tác thu thập ca bệnh, cần đảm bảo đầy đủ, chính xác, nhất là các ca vào viện điều trị ở tất cả các tuyến.
Còn ông Đỗ Võ Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế), cho rằng từng địa phương cần xây dựng kế hoạch truyền thông theo từng tình huống cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. “Cần tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức truyền thông trực tiếp lẫn gián tiếp. Thông điệp nên phát hằng ngày trên đài phát thanh xã. Nội dung thông điệp cũng có thể cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng để họ tự in gắn với lô-gô, thương hiệu theo phương thức xã hội hóa”, ông Dũng gợi ý.
NGUYỄN VĂN TRANG