Phù Cát đẩy mạnh thực hiện Nghị định 67/CP
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị định (NĐ) 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, huyện Phù Cát đã có 43 ngư dân đăng ký vay vốn đóng mới tàu cá; trong đó xã Cát Khánh có 26 hồ sơ, Cát Tiến 10 hồ sơ, Cát Thành 5 hồ sơ và Cát Hải 2 hồ sơ.
Ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: Trong tổng số 43 hồ sơ xin vay vốn đóng tàu theo NĐ 67/CP, có 21 trường hợp đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong số này có 6 trường hợp ngư dân đã ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng đóng tàu với tổng kinh phí trên 90 tỉ đồng, các ngân hàng đã giải ngân trên 41 tỉ đồng.
Tàu cá neo đậu tại cảng cá Đề Gi, xã Cát Khánh.
Điều ghi nhận trong quá trình thực hiện NĐ 67/CP ở Phù Cát là ngư dân đã phát huy vai trò chủ thể trong việc quyết định đóng con tàu của mình. Trước hết, mẫu mã con tàu được dựa trên các mẫu tàu của Bộ NN&PTNT đưa ra, có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế ngành nghề khai thác của địa phương. Ngư dân được tự do lựa chọn cơ sở để hợp đồng đóng tàu và ngân hàng để vay vốn, mà không có sự can thiệp từ bên nào.
Theo kế hoạch, 6 con tàu đang đóng mới sẽ được hoàn thành và hạ thủy trong tháng 5.2016, để bàn giao cho ngư dân đưa vào vận hành khai thác, nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngoài ra, 9 trường hợp khác cũng đã được các ngân hàng chấp nhận hồ sơ để ký hợp đồng tín dụng, ngư dân cũng đã chọn cơ sở đóng tàu để ký hợp đồng đóng tàu mới từ nay đến cuối năm 2016.
Có thể nói, sau 2 năm triển khai thực hiện NĐ 67/CP, huyện Phù Cát đã đạt được kết quả nhất định; song trong quá trình thực hiện còn không ít vướng mắc; số tàu được ký kết hợp đồng tín dụng còn “khiêm tốn” so với chỉ tiêu trên giao.
Hầu hết ngư dân Phù Cát tham gia NĐ 67/CP đều cho rằng thời gian từ lúc phê duyệt danh sách đến lúc được vay vốn là quá dài. Thực tế cho thấy, quy trình, thủ tục thực hiện hồ sơ cho vay của ngân hàng đòi hỏi phải chặt chẽ và khá phức tạp, mà ngư dân thì không thể am hiểu hết được, nên gặp khó khăn trong lập dự án và phải đi lại nhiều lần để thực hiện các thủ tục hồ sơ theo quy định, khiến nhiều người nản lòng.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện đóng mới, một số chủ tàu đã xem xét điều chỉnh cho phù hợp thực tế, mỗi lần thay đổi lại phải điều chỉnh thiết kế, dẫn đến chậm trễ trong các thủ tục, việc giải ngân bị chậm lại. Ngoài ra, nguồn vốn đối ứng của ngư dân cũng chưa được bảo đảm theo yêu cầu của một số ngân hàng.
Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Phù Cát, cho biết: “Đơn vị đã tiếp nhận tất cả các hồ sơ của ngư dân có nhu cầu, đã giải ngân được 1 hợp đồng tín dụng với số vốn vay hơn 15,6 tỉ đồng và đang thẩm định số hồ sơ còn lại. Trên thực tế, ngân hàng phải có thời gian và cử cán bộ hướng dẫn từng trường hợp cụ thể. Các điều kiện cấp tín dụng cũng phải theo quy định, nên phải có thời gian tiến hành thẩm định kỹ. Nếu ngư dân đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, chúng tôi sẵn sàng giải ngân ngay. Muốn nhanh chóng phải có vốn đối ứng, hồ sơ thiết kế kỹ thuật, xác định cơ sở đóng tàu có uy tín, thì chúng tôi sẽ giải ngân kịp thời cho ngư dân”.
Cũng còn nhiều vướng mắc khi ngân hàng và ngư dân chưa thống nhất về cách tính toán, đánh giá phương án vay vốn, giá trị dự án; các chủ tàu chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của ngân hàng. Trong khi tài sản bảo đảm vay vốn là con tàu, mà ngân hàng lại không tường tận về các yếu tố kỹ thuật, nên việc thẩm định dự toán đóng tàu tại các ngân hàng cũng gặp khó khăn. Đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều ngư dân khó tiếp cận nguồn vốn vay, mặc dù các cấp, các ngành liên quan đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng vẫn chưa tháo gỡ được.
Về phía ngư dân, ông Lê Văn Thãi, ở xã Cát Khánh, là 1 trong 6 trường hợp đang đóng mới tàu theo NĐ 67, cho rằng: “Bà con ngư dân cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ phương án đầu tư, nghề hoạt động và mẫu tàu. Cần xác định trách nhiệm trong việc vay vốn đầu tư đóng tàu và trả nợ vay, tránh trường hợp đăng ký thực hiện theo phong trào, bởi việc “hoạch định” khả năng hoàn trả vốn vay cho ngân hàng là rất quan trọng”.
Có thể nhận thấy, để chính sách phát triển thủy sản đạt được mục tiêu, sự nỗ lực từ phía các ngân hàng là chưa đủ, mà cần có sự nỗ lực đồng bộ từ tất cả các bên tham gia vào tiến trình thực hiện. Các ngành liên quan phải tiếp tục cải cách trình tự, thủ tục thẩm định dự án, phương án vay vốn đóng mới tàu của ngư dân theo hướng đơn giản, phù hợp với quy định của pháp luật và trình độ của ngư dân.
Với mục tiêu thực hiện tốt Nghị định 67/CP, huyện Phù Cát hiện đang phấn đấu đến cuối năm 2016 sẽ hoàn thành được chỉ tiêu 65 hồ sơ xin vay vốn đóng mới tàu cá, trong đó có 15 tàu được đóng mới đưa vào hoạt động.
HOÀI TRUNG - THẾ HÀ