Tăng cường phòng, chống dịch bệnh GSGC
Hiện nay, thời tiết nắng nóng là thời điểm các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) có nguy cơ tái phát cao. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn GSGC trong mùa nắng nóng.
* Xin ông cho biết nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC vào thời điểm hiện nay?
- Với gần 7 triệu con gia cầm và hơn 1 triệu con gia súc, tỉnh ta là địa phương có đàn GSGC lớn nhất khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Nhiều năm qua, nhờ chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch nên các loại dịch bệnh nguy hiểm, như: cúm gia cầm (DCGC), lở mồm long móng (LMLM) và dịch bệnh heo tai xanh không tái phát. Tuy nhiên, hiện nay, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đã xuất hiện trở lại ở một số tỉnh, thành trong nước, nguy cơ tái phát đang ở mức cao.
Lực lượng thú y huyện Tây Sơn hỗ trợ người dân tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho đàn vịt.
Gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia súc; các loại dịch bệnh như: tụ huyết trùng, dịch tả, phó thương hàn… thường xảy ra trên đàn heo. Khi đàn heo bị các chứng bệnh nói trên, sức đề kháng yếu, vi-rút gây bệnh heo tai xanh sẽ có điều kiện gây dịch. Vi-rút gây ra DCGC, LMLM cũng đang tồn tại trong môi trường và rất dễ tái phát trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Điều lo ngại là hiện phần lớn các địa phương chưa xây dựng các điểm giết mổ GSGC tập trung; một bộ phận người chăn nuôi còn có thói quen thả rông gia súc trên rừng, chưa thực sự quan tâm đến việc tiêm vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi. Một số hộ chăn nuôi còn vứt xác GSGC chết xuống sông, rạch... gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
* Trước tình hình như vậy, ngành Thú y tỉnh đã triển khai những biện pháp gì bảo vệ đàn GSGC trong mùa nắng nóng, thưa ông?
- Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC, năm 2016 tỉnh ta đã đầu tư trên 8 tỉ đồng mua vắc-xin hỗ trợ các địa phương. Đến nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đã phân bổ trên 300 ngàn liều vắc-xin phòng LMLM; hơn 3 triệu liều vắc-xin phòng DCGC và trên 400 ngàn liều vắc-xin phòng dịch tả cho các địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi.
Ngoài ra, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã nâng cấp phòng chẩn đoán xét nghiệm động vật tại Chi cục Chăn nuôi - Thú y; hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm thú y tại Phù Cát, Tuy Phước, Hoài Nhơn, Phù Mỹ. Từ đầu tháng 3.2016, ngành Nông nghiệp đã phát động toàn tỉnh ra quân tiêm vắc-xin phòng, chống DCGC; phòng chống dịch bệnh LMLM trên đàn trâu bò và bệnh dịch tả trên đàn heo.
Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2 triệu con gia cầm được tiêm phòng DCGC; 242.335 con trâu, bò và 33.000 con heo giống đã được tiêm phòng dịch bệnh LMLM, 160 ngàn con heo được tiêm phòng bệnh dịch tả. Hiện lực lượng thú y các địa phương đang tiếp tục tiêm phòng cho đàn GSGC trong diện phải tiêm, đồng thời hỗ trợ người chăn nuôi phun thuốc khử độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi. Ngoài ra, Chi cục cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát các phương tiện vận chuyển động vật ra vào tỉnh; thường xuyên lấy mẫu huyết thanh của đàn GSGC các địa phương trong tỉnh để xét nghiệm nhằm phát hiện dịch bệnh và chủ động xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; hướng dẫn các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn triển khai các biện pháp chống nóng cho vật nuôi.
* Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh có khuyến cáo gì thêm đối với người chăn nuôi?
- Để bảo vệ đàn GSGC trong mùa nắng nóng, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Thú y, đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Với người chăn nuôi, cần phải thực hiện tốt việc tiêm phòng, phun thuốc khử độc sát trùng chuồng trại định kỳ theo hướng dẫn của ngành Thú y. Các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi cần chủ động nguồn nước hợp vệ sinh cho vật nuôi; xây dựng hệ thống phun sương làm mát và chuẩn bị máy phát điện đề phòng mất điện. Bên cạnh đó, tăng cường thêm các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sức khỏe của vật nuôi, khi phát hiện vật nuôi có triệu chứng bất thường, cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương gần nhất để được hỗ trợ xử lý. Đây cũng là cơ sở để các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra theo quy định của Nhà nước.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)