Năng lực cạnh tranh của Việt Nam thấp nhất trong khối TPP
Sau 30 năm đổi mới, tâm lý sợ cạnh tranh vẫn khá phổ biến tại Việt Nam – TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét như vậy tại hội thảo “Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh” do CIEM tổ chức sáng 15.4 tại Hà Nội.
TS Nguyễn Đình Cung
Theo ông Cung, ở các nền kinh tế khác, trước khi ban hành chính sách bao giờ cũng có một câu hỏi được đặt ra là chính sách đó có hạn chế cạnh tranh hay không. “Việt Nam chưa bao giờ đặt câu hỏi đó. Tư duy là nhà nước kiểm soát và sở hữu nên xây dựng chính sách là để quản lý. Cho đến giờ này tôi cũng chưa thấy sự thay đổi nào về mặt tư duy để cải thiện chất lượng chính sách một cách thực chất. Trong khi đó, chỉ khi có thể chế tốt mới đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và công bằng”, Viện trưởng CIEM thắng thắn bình luận.
Nhiều yếu kém đã được chuyên gia này “mổ xẻ”, song trong số các nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự yếu kém về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế có vấn đề nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn khá mơ hồ và khác biệt; đặc biệt là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực… Bên cạnh đó, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, trong số các nền kinh tế tham gia TPP, thì năng lực cạnh tranh của Việt Nam là thấp nhất, cả về năng lực thể chế lẫn năng lực của doanh nghiệp. Và sau hơn 20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn chỉ ở vị trí thứ 7, trong khi các nước ở thứ hạng thấp hơn như Lào, Campuchia, Myanmar đều đang có sự bứt phá rất mạnh mẽ và vượt qua Việt Nam. Đáng lưu ý là sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp thân hữu và không thân hữu. Đông đảo doanh nghiệp nhỏ và vừa không có mối quan hệ thân hữu thì rất khó bình đẳng trong cạnh tranh.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)