Ngược xuôi vẫn nhớ ngày Giỗ Tổ
Câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” đã được bao thế hệ người Việt Nam khắc sâu trong tâm tưởng để luôn hướng về cội nguồn. Vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, hàng vạn người dân và du khách đã hội tụ về Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) để tri ân công đức của các vua Hùng, những người đã có công dựng nước.
1.
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì tục thờ cúng Hùng Vương đã có từ hàng nghìn năm trước, nhưng có sự phát triển thì bắt đầu từ thế kỷ 12 đến nay. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt” với những giá trị, sức sống mạnh mẽ đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2012.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng luôn có rất đông người về dâng hương trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm.
Trong phần di sản văn hóa phi vật thể giới thiệu về “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ VH-TT &DL), đã đưa ra những nhìn nhận: Mặc dù tục thờ cúng những người sáng lập ra đất nước không chỉ có ở Việt Nam mà khá phổ biến ở Đông Nam Á. Nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc thờ cúng, biết ơn người sáng lập ra đất nước, mà còn mở rộng quy mô, nâng tầm thành một loại hình tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Trong số các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được thế giới công nhận, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản có sức sống mạnh mẽ nhất, đồng thời cũng là loại hình có khả năng phát triển nhiều nhất. Điều này xuất phát từ việc không giống như các di sản khác đã được công nhận có yếu tố vùng miền tác động, tín ngưỡng thờ Hùng Vương không phân biệt vùng miền, giới tính hay độ tuổi mà được lớp lớp các thế hệ người dân Việt Nam dù đang sinh sống ở trong nước hay đi xa quê hương thì vẫn kế thừa và phát triển…
2.
Tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ, từ ngày 12-16.4 (từ mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch), Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng năm 2016 được tổ chức có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang ý nghĩa hướng về nguồn cội do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì tổ chức, cùng sự tham gia của 3 tỉnh ở 3 miền Bắc, Trung, Nam là Hưng Yên, Bình Thuận, Cà Mau.
Cách xa vùng đất Tổ khoảng 1.800 km, Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc ở TP Hồ Chí Minh cũng tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương (từ ngày 15-17.4) năm nay với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, có sự tham dự của hơn 2.000 sinh viên, bộ đội, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tham dự đại lễ. Nơi tổ chức Giỗ Tổ trong khu công viên là Đền tưởng niệm các vua Hùng được xây dựng trên một ngọn đồi, có tổng diện tích hơn 59.000 m2, thiết kế gồm 3 bậc mang nhiều ý nghĩa: bậc 1 thờ Quốc tổ Hùng Vương; bậc 2 thờ Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ; bậc 3 là các hoa văn, họa tiết về văn hóa Đông Sơn. Sân vọng trong khu tưởng niệm còn có sân vọng (lầu thượng) có 54 cột đá tượng trưng cho 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam. Đền tưởng niệm càng thêm có ý nghĩa khi bên cạnh bàn thờ các vua Hùng là hai bình gốm chứa “Đất” và “Nước” được lấy từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Trong khu Đền còn trưng bày trang trọng 33 bia đá chủ quyền Trường Sa do Bộ Tư lệnh Hải quântrao tặng.
3.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Phú Thọ thì trên địa bàn cả nước hiện gần 1.500 nơi thờ Hùng Vương, vợ con và các tướng lĩnh của vua Hùng. Ban quản lí Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng từng cho biết, nhiều bà con Việt kiều khi tìm về viếng thăm đã xin một nắm đất ở gần mộ Tổ, múc một ít nước ở giếng Ngọc, chân nhang bát hương thờ các vua Hùng ở Đền Thượng để đưa ra nước ngoài thờ cúng...
Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước
(Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên Phong), tại Đền Giếng (thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ) ngày 19 tháng 9 năm 1954.
Ngoài những nơi có điểm thờ cúng, nhiều địa phương, tập thể, cá nhân dù ở nơi xa xôi cũng đã tiến dâng về Đền Hùng nhiều lễ vật “nặng tinh thần”. Giỗ Tổ Hùng Vương cách đây 8 năm, đoàn đại biểu tỉnh Bình Định đã lần đầu tiên vượt hơn nghìn cây số hành hương về Khu di tích lịch sử Đền Hùng và dâng lễ vật mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đất Võ lên Quốc Tổ. Một số thành viên tham gia chuyến đi năm ấy chia sẻ, đã có nhiều cảm xúc khi trong tiếng nhạc lễ trang trọng do chính đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung xướng lên, đại diện đoàn tỉnh Bình Định đã trang trọng tiến vào Đền Thượng để dâng lên 18 mâm quả bánh ít lá gai Bình Định biểu trưng cho 18 đời vua Hùng, mỗi mâm quả có 100 bánh ít lá gai gợi nhớ về hình ảnh “trăm trứng nở trăm con” trong truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ…
Cùng chung tâm thức kính ngưỡng với người dân cả nước trong ngày Giỗ Tỗ, dù không có nhiều hoạt động cụ thể, địa điểm ở địa phương để tập trung đông người cùng hướng về đất Tổ, nhưng tin chắc rằng có nhiều nhà, nhiều người dân Bình Định vẫn lặng lẽ thắp nén tâm hương thành kính tưởng vọng…
HOÀI THU