Hạn, mặn gây thiệt hại gần 5.600 tỷ đồng
Đại hạn, mặn xâm thực ở ĐBSCL, Tây Nguyên, Nam Trung bộ khiến nhiều triệu người sống khổ sở và gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Báo cáo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai cho biết khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã chịu thiệt hại 5.572 tỷ đồng, thống kê đến ngày 17.4.
Tại 3 khu vực này có 338.849 hộ thiếu nước sinh hoạt, gần 260.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Hơn 160.000 ha cây công nghiệp, ăn trái mất trắng, diện tích nuôi trồng thủy sản thất thu hơn 4.500 ha.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Thủ tướng hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng trong hai đợt cho các địa phương ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ Quốc phòng huy động lực lượng chở nước sạch hỗ trợ người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.
Dự báo thời gian tới, tại khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, hạn hán sẽ tiếp tục hoành hành. Mực nước sông có thể giảm hơn 90%. Tình hình khô hạn được dự báo lan đến Bắc Trung Bộ và kéo dài đến tháng 9.
Tại ĐBSCL, do nước từ thượng nguồn về cộng với đỉnh triều bắt đầu giảm. Tình hình mặn xâm thực tạm ổn nhưng vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài nhất trong lịch sử khiến nền nhiệt độ, lượng mưa, dòng chảy thiếu hụt. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, từ cuối năm 2015 lượng mưa thấp, nhiều hồ đập cạn đáy.
Hạn hán đã diễn ra trên phạm vi 70% diện tích canh tác tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, các tỉnh bị hạn hán nghiêm trọng là Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận…
Trong khi đó, ĐBSCL đã có 11/13 tỉnh, thành phố công bố thiên tai. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề, nước sinh hoạt thiếu hụt nghiêm trọng.
Trên sông Mekong, mực nước xuống thấp nhất trong 90 năm qua khiến mặn xâm nhập sâu vào đất liền đến 90 km. Điều này chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc Việt Nam.
Theo Duy Trần (VnExpress)