Hiệu quả từ mô hình máy cuốn rơm
Mới đây, tại thôn Luật Lễ, TT Diêu Trì, huyện Tuy Phước, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh và Trạm KN huyện Tuy Phước đã tổ chức Hội thảo trình diễn chuyển giao và đưa vào sử dụng máy cuốn rơm cho HTXNN thị trấn Diêu Trì.
Trình diễn máy cuốn rơm tại HTXNN thị trấn Diêu Trì. Ảnh: PHAN THANH SƠN
Bằng nguồn kinh phí chương trình khuyến nông của tỉnh năm 2016, TTKN xây dựng mô hình “Ứng dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp sau thu hoạch”. Mô hình hỗ trợ 1 máy cuốn rơm nhãn hiệu MRB0850B cho HTXNN thị trấn Diêu Trì với mức hỗ trợ 50% giá trị máy, HTX đối ứng 50% giá trị còn lại. HTX đầu tư mua 1 máy kéo để kéo máy cuốn rơm. TTKN hỗ trợ HTXNN thị trấn Diêu Trì xây dựng phương án tổ chức kinh doanh dịch vụ máy cuốn rơm phục vụ sản xuất tại địa phương, HTX trực tiếp thành lập và quản lý tổ dịch vụ máy cuốn rơm.
Với diện tích đất trồng lúa của HTX là 217 ha, sản xuất 2 vụ/năm, tổ dịch vụ sẽ mua gom rơm của hộ xã viên trong HTX với giá bình quân 50.000 đồng/sào; rơm cuộn được cung ứng lại với giá tối thiểu là 25.000 đồng/cuộn (12 kg); làm dịch vụ cuốn rơm cho bà con nông dân có nhu cầu với giá 60.000 đồng/sào. HTX cũng có kế hoạch sử dụng đầu kéo để tổ chức dịch vụ làm đất phục vụ sản xuất không tính tiền công cho xã viên mà cuối vụ thu bằng rơm. Với mức lợi nhuận mỗi bó rơm cuộn đã trừ chi phí là 7.000 - 10.000 đồng, mỗi ha lúa tăng thêm thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng. Đầu tháng 4.2016, HTX đã đưa máy vào hoạt động thu gom rơm trên diện tích lúa Đông Xuân 2015-2016 đang thu hoạch, được nông dân địa phương đánh giá cao.
Tại Hội thảo trình diễn, các ý kiến thảo luận đều đánh giá cao hiệu quả hoạt động của máy. Với năng suất trung bình 80-100 cuộn rơm/giờ, trọng lượng bình quân 12 kg/cuộn, mỗi ca máy (8 giờ) có thể cuốn rơm trên diện tích 3 - 4 ha. Máy cuốn rơm MRB0850B có thể cuốn được rơm khô và rơm ướt, nên có thể hoạt động tốt trong cả 2 vụ sản xuất Đông Xuân và Hè Thu tại Bình Định.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc TTKN tỉnh, cho biết: Sau việc đưa máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa, việc đưa vào sử dụng máy cuốn rơm sau thu hoạch lúa có thể được xem là cuộc cách mạng trong cơ giới hóa sản xuất lúa, nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc sử dụng máy cuốn rơm tạo thuận lợi cho nông dân trong thu gom, vận chuyển và bảo quản rơm sau thu hoạch, để dự trữ làm thức ăn chăn nuôi trâu bò, làm nguyên liệu sản xuất nấm rơm... Chính vì vậy mô hình này có khả năng nhân rộng rất cao, nhất là những huyện có diện tích sản xuất lúa nhiều và tập trung như Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn.
Theo Trạm KN huyện Tuy Phước, qua 3 năm (2014-2016) thực hiện, đến nay toàn huyện có 8 máy cuốn rơm đang hoạt động, trong đó có 3 máy được TTKN tỉnh hỗ trợ, 5 máy do các HTX và nông dân tự mua sắm.
PHAN THANH SƠN