Dự án “Cảnh báo lũ sớm”:
Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu
Tại TP Quy Nhơn vừa khánh thành nhà đa năng phòng chống bão lụt (PCBL), thuộc Dự án (DA) “Giảm thiểu rủi ro cho người dân ở vùng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn” (còn gọi là DA cảnh báo lũ sớm - CBLS). DA này sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BÐKH) của người dân vùng hạ lưu trong mùa bão lụt. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Ðinh Văn Tiên, Phó Giám đốc Sở TN-MT, về vấn đề này.
● Xin ông cho biết vai trò và ý nghĩa của DA CBLS?
- Vùng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn từng được coi là “rốn lũ”, thường xuyên bị ngập lụt vào những mùa bão lũ. Trong đó, Nhơn Phú, Nhơn Bình của TP Quy Nhơn là 2 địa phương từng chịu thiệt hại nhiều nhất do bão lũ. Theo thống kê của ngành chức năng, liên tục từ năm 2007 đến nay, cứ có mưa lớn thì toàn bộ 712 ha diện tích sản xuất nông nghiệp của hai phường này bị ngập úng hoàn toàn. Riêng phường Nhơn Phú, trong trận lũ tháng 11.2007, có khoảng 3.500 căn nhà trong tổng số 4.687 căn nhà bị ngập, có nơi sâu nhất lên đến 2,5 m. Trong trận lũ xảy ra vào tháng 11.2009, toàn bộ 100% nhà cửa trong phường đã bị ngập, với mức ngập sâu nhất trên 2,5 m.
Điều đáng lo ngại là người dân vùng hạ lưu hầu như không được thông tin CBLS nên bị động và bị cô lập khi bão lũ ập đến. Vì vậy, DA CBLS do Văn phòng Điều phối về BĐKH (CCCO) Bình Định phối hợp với Viện Chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET), được sự tài trợ của Quỹ Rockefeller, có ý nghĩa rất thiết thực. Mục tiêu của DA là tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH của người dân sinh sống ở vùng trữ lũ hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn trong việc thích ứng và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Nhà đa năng PCBL tại phường Nhơn Phú vừa được khánh thành.
● Ông có thể cho biết thêm về công trình nhà đa năng PCBL?
- Công trình được xây dựng tại khu vực 3, phường Nhơn Phú. Theo thiết kế, công trình có quy mô 2 tầng, với tổng chiều cao 10,65 m; chiều cao tầng I là 3,9 m, tầng II là 3,6 m. Về kết cấu, công trình có khung cột bê tông cốt thép chịu lực, bê tông M250, móng tường xây đá chẻ; cửa đi, cửa sổ bằng nhôm có khung sắt bảo vệ. Đồng thời, nền sảnh, phòng tạm trú của nhà đa năng sẽ được lát gạch ceramic chống trượt. Ngoài ra, nhà đa năng còn có đầy đủ hệ thống chiếu sáng, tường rào, cổng ngõ, hệ thống điện, nước; có lối đi riêng dành cho người khuyết tật. Tổng kinh phí xây dựng công trình gần 2 tỉ đồng. Công trình sẽ góp phần giúp người dân vùng “rốn lũ” tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH, đồng thời giảm thiểu thiệt hại trong mùa bão lụt.
● Ngoài công trình trên, DA CBLS còn thực hiện những nội dung gì?
- Ngoài công trình nhà đa năng PCBL, CCCO Bình Định cùng với ISET, Đài Khí tượng thủy văn Bình Định và một số sở, ngành, đơn vị triển khai thực hiện các hoạt động: Thu thập và quản lý số liệu tức thời về mực nước lũ; xây dựng, thiết lập hệ thống thông tin cảnh báo và ứng phó với lũ; xây dựng kế hoạch chuẩn bị ứng phó với lũ và tăng cường các biện pháp ứng phó với lũ tại cộng đồng.
DA đã và đang triển khai một số công việc, như: Cung cấp thông tin tức thời về tình trạng ngập lụt trên hệ thống sông Côn và sông Hà Thanh; xây dựng hệ thống và quy trình cần thiết để cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về ngập lụt cho người dân ở những vùng trũng thấp; áp dụng hệ thống 3 cấp đã thiết lập cho việc cảnh báo mực nước sông; xây dựng bản đồ ngập cho phường Nhơn Phú và Nhơn Bình; giới thiệu cho người dân sinh sống ở những khu vực dễ bị tổn thương của 2 phường này về bản đồ hiểm họa và an toàn dựa vào mực nước lũ.
DA đã xây dựng 4 trạm quan trắc đo mưa, đo mực nước tự động và 1 trạm thu nhận, xử lý thông tin; lắp đặt tại địa bàn 2 phường 212 cọc tiêu, 36 thủy chí, 10 tháp báo lũ, 32 pano tuyên truyền PCBL tại 16 bờ tràn; lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt cho 32 hộ dân; cấp 100 bồn chứa nước (loại 500 lít) cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo của 2 phường.
● Công việc từ nay đến cuối năm 2016 thì sao, thưa ông?
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai DA Thoát nước và chống ngập úng, trong đó lắp đặt hệ thống CBLS tại 7 vị trí trên sông Côn và sông Hà Thanh, gồm xã Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh); Trạm Thủy văn Bình Nghi (huyện Tây Sơn); núi Dung, xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn); cầu An Thái (An Nhơn); thị trấn Vân Canh và xã Canh Vinh (huyện Vân Canh); Đài Khí tượng Thủy văn Bình Định. Trong DA này, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) là đơn vị chủ đầu tư và thực hiện tất cả các công đoạn từ khảo sát, thiết kế đến việc mua sắm, xây dựng và lắp đặt các trạm ăng ten thu phát sóng, các thiết bị đo mực nước tự động; CCCO là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ phối hợp với GIZ thực hiện các thủ tục cấp phép sử dụng tần số vô tuyến, thủ tục về đất đai, cấp phép xây dựng. Theo kế hoạch, đến cuối quý II, GIZ sẽ hoàn thành công việc trên.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ triển khai một số hoạt động như chuẩn bị Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng - Mô hình CBLS”; phổ biến bản đồ ngập lụt đến cộng đồng 2 phường Nhơn Phú và Nhơn Bình.
● Xin cảm ơn ông!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)