Đau đáu nỗi lo thực phẩm bẩn
Chưa bao giờ vấn đề thực phẩm bẩn lại “nóng” như hiện nay. Đặc biệt, thịt và các sản phẩm từ thịt mất an toàn đang là nỗi ám ảnh thật sự của mọi người, mọi nhà.
Tại Bình Định, dù chưa ghi nhận những vụ việc lớn, nhưng không thể phủ nhận nguy cơ xuất hiện thực phẩm bẩn là rất cao.
Nguy cơ hiển hiện
Trong năm 2015, Chi cục Thú y tỉnh (nay là Chi cục Chăn nuôi - Thú y) đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra lấy mẫu, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt heo. Chỉ riêng trong tháng 12.2015, Chi cục đã tổ chức 2 đợt kiểm tra định tính chất cấm tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn; lấy mẫu kiểm định 102 mẫu nước tiểu, thịt heo, thức ăn cho heo. Trong đó, phát hiện 3 mẫu thức ăn và 1 mẫu nước tiểu dương tính với chất Sabutamol và 1 mẫu nước tiểu dương tính với Clenbuterol; các mẫu này đều ở Hoài Nhơn.
Cần tăng cường tuyên truyền để người nuôi heo tránh sử dụng chất cấm trong quá trình chăn nuôi.
- Trong ảnh: Chăm sóc đàn heo ở huyện Hoài Ân. Ảnh: MAI LÂM
Sang tháng 2.2016, Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Phù Cát lấy mẫu kiểm tra chất cấm tại hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Chất ở khu phố An Hòa, thị trấn Ngô Mây. Trong ngày 2.2 và 3.2, Phòng Chẩn đoán xét nghiệm của Chi cục đã tiến hành kiểm tra định tính, kết quả mẫu lấy được dương tính với Sabutamol và Clenbuterol. Ngày 3.2, Chi cục đã thành lập Hội đồng niêm phong mẫu và gửi Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II phân tích định lượng với Sabutamol và Clenbuterol. Kết quả, hàm lượng Sabutamol vượt ngưỡng cho phép; Clenbuterol không phát hiện. Ông Chất đã bị xử phạt 150 triệu đồng cho 3 vi phạm: kinh doanh thức ăn gia súc mà không có chứng nhận đăng ký kinh doanh; sản xuất hàng hóa có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói; sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh, hoạt động xử lý người vi phạm sau kiểm tra vẫn còn nhiều khó khăn. “Hiện nay, chăn nuôi heo ở tỉnh ta vẫn ở quy mô vừa và nhỏ, việc kiểm soát là vô cùng khó khăn. Sau khi phát hiện mẫu dương tính với lô heo chuẩn bị xuất chuồng, sẽ mất vài ngày để nhận kết quả định lượng để làm cơ sở xử lý thì heo đã được xuất bán. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra phải có sự tham gia phối hợp của nhiều ngành chức năng như Công an, Quản lý thị trường mới có đủ thẩm quyền khám xét, xử lý”, ông Quốc phân tích.
Đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra
Hoài Ân được coi là “vựa heo” của miền Trung, nuôi heo là ngành kinh tế mũi nhọn ở đây. Đảm bảo nguồn heo “sạch” là điều kiện tiên quyết để heo Hoài Ân giữ vững thương hiệu.
Theo Trưởng Trạm Thú y huyện Hoài Ân Nguyễn Thế Vương, Trạm thường xuyên phối hợp với cán bộ thú y các xã, thị trấn tăng cường công tác thống kê lại số trang trại trên địa bàn để giám sát, hướng dẫn quy trình chăn nuôi sạch, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
“Trạm cũng đã phối hợp với tổ kiểm tra liên ngành của huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc chăn nuôi không sử dụng chất cấm, kiểm tra các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện; giám sát sản phẩm thịt xuất ra thị trường để đảm bảo chất lượng thịt heo sạch”, ông Vương cho hay.
Vì sức khỏe, vì hạnh phúc của mọi người, vì sự phát triển của toàn xã hội, chúng ta hãy biến việc bảo đảm an toàn thực phẩm thành ý thức thường trực và thành hành động cụ thể của mình trong cuộc sống hàng ngày
Ông NGUYỄN TUẤN THANH - Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quốc cũng cho biết, một trong những giải pháp cấp bách để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm từ thịt là tăng cường công tác quản lý hoạt động buôn bán, lưu thông và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, lấy mẫu kiểm tra định kỳ và đột xuất nước tiểu heo, thức ăn trong máng, thức ăn bổ sung, thuốc tăng trọng và thịt heo lưu thông trên thị trường, nhằm kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm. “Trong năm 2016, sẽ triển khai thực hiện ký cam kết cho các chủ trang trại, gia trại, chủ cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y trên địa bàn không lưu hành buôn bán sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, ông Quốc nói.
Song, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhất là sản phẩm thông dụng như thịt heo, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 được tổ chức ngày 15.4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định: “Để việc triển khai các hoạt động bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đạt được các mục tiêu đã đề ra, cần phải có sự đồng sức, đồng lòng hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân. Đây là yếu tố hết sức quan trọng và mang tính quyết định”. Còn Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lý Tiết Hạnh chia sẻ, hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm của các cấp tổ chức hội sẽ hướng vào cả 3 đối tượng: người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng.
THẢO OANH - MAI LÂM