Cải cách mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bình Định đứng vị trí thứ 20, tụt 3 bậc so với năm 2014. Sự “tụt hạng” này đặt ra những yêu cầu cao hơn để Bình định cải thiện thứ hạng PCI, nâng cao vị thế của địa phương trong quá trình cạnh tranh phát triển ngày càng khốc liệt.
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh, cho hay, trong 10 chỉ số thành phần của PCI, Bình Định có 5 chỉ số tăng điểm so với năm 2014 là: gia nhập thị trường (+0,21), chi phí thời gian (+0,65), chi phí không chính thức (+0,66), tính năng động (+0,67), đào tạo lao động (+0,10).
Trong khi đó, 5 chỉ số giảm điểm là: tiếp cận đất đai (-0,13), tính minh bạch (-0,26), dịch vụ hỗ trợ DN (-0,56), thiết chế pháp lý (-0,10) và tính cạnh tranh bình đẳng (-0,31). Mức tăng không đủ “bù đắp” mức giảm, nên tổng số điểm PCI đạt được của Bình Định là 59,23, giảm 0,69 điểm so với năm 2014.
Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức là ưu tiên hàng đầu để nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
- Trong ảnh: Doanh nghiệp giao dịch hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND TP Quy Nhơn.
Vì sao “tụt hạng”
Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 07 về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện nâng cao PCI. 2 năm sau, tiếp tục với Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực Quốc gia. Điều đó khẳng định quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư để đến gần hơn với doanh nghiệp (DN). Đến nay, Bình Định đều nằm trong nhóm các tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt và khá.
Tuy nhiên, lật lại thời điểm 2012 khi Bình Định trở thành “hiện tượng” với vị thứ 4/63 tỉnh, thành của bảng tổng sắp PCI, nhưng ngay sau đó đã tuột dần trong sự cạnh tranh gay gắt từ các địa phương khác. Cụ thể, năm 2013 xếp vị thứ 18/63, năm 2014 đứng 17/63 và đến 2015 là vị trí 20/63. Với kết quả này, bà Huỳnh Thị Thanh Thủy - Phó Giám đốc Sở KH-ĐT - thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra những nguyên nhân khiến Bình Định “mất điểm” với DN:
Đầu tiên, trong giải quyết công việc cho DN, thời gian gần đây đã được tỉnh quyết liệt nhưng thực tế vẫn còn một số cơ quan, công chức, viên chức của các sở, ngành, địa phương chưa thực sự nghiêm túc trong việc giải quyết nhanh chóng các yêu cầu của DN, vẫn còn tình trạng chậm giải quyết hồ sơ tại các cơ quan tham mưu và ở cả cơ quan ra quyết định cuối cùng, từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
Thêm vào đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm và kéo dài làm mất cơ hội đầu tư của DN và gây bức xúc cho người dân. Công tác chỉ đạo, thực hiện và tham mưu cho UBND tỉnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN có lúc còn chưa kịp thời; sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương triển khai các chương trình công tác liên ngành chưa đồng bộ, nhất là trong tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ…
Đáng chú ý, công tác phối hợp và thực hiện quy chế phối hợp vẫn chưa thực sự được các ngành quan tâm thực hiện, dẫn đến tham mưu cho UBND tỉnh bị kéo dài, chậm trả lời và gây phiền hà cho nhà đầu tư. “Các địa phương thường xuyên chậm trả lời về quyết định triển khai dự án khi thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư là Tây Sơn, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn, Hoài Ân; đặc biệt là với Tây Sơn, Hoài Nhơn và Hoài Ân thủ tục đất đai quá chậm, gây bức xúc cho nhà đầu tư” - bà Thủy cho hay.
Cải thiện vị thứ của chỉ số PCI là một cách để Bình Định đến gần hơn nhà đầu tư.
- Trong ảnh: UBND tỉnh trao giấy chứng nhận đầu tư các dự án du lịch sẽ triển khai tại Bình Định.
Trong khi đó, theo ông Man Ngọc Lý, Giám đốc Sở Công Thương, những vướng mắc được các DN đưa ra có không ít vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và các quy định từ Trung ương chứ không chỉ “trục trặc” trong tổ chức thực hiện tại địa phương. “Hiện nay, các vấn đề liên quan đến những vướng mắc thủ tục về điện, nước, thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải quyết cơ chế chính sách tỉnh có thể giải quyết được; nhưng những vấn đề liên quan đến chính sách “bên trên” chỉ có thể ghi nhận và kiến nghị cấp cao hơn” - ông Lý phân tích.
Làm gì để cải thiện
“ Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, người đứng đầu ở một số ngành, địa phương trong việc thực thi nhiệm vụ chưa cao. Điều này đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tỉnh là ưu tiên hàng đầu để nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới ”
Ông TRẦN BẮC HÀ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Bình Định vào đầu tháng 4.2016, khi làm phép so sánh PCI 2015 với thời điểm 4 năm trước của tỉnh, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - cho rằng, chỉ số suy giảm đáng kể nhất của Bình Định là tiếp cận đất đai (-0,22), chi phí không chính thức (-0,79), thiết chế pháp lý (-0,59); đặc biệt, hai chỉ số cạnh tranh bình đẳng và tính năng động vẫn ở dưới mức trung bình. Trên cơ sở tính minh bạch và chi phí thời gian ngày càng cải thiện, những yếu kém trên bắt nguồn từ việc triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH chưa được các cấp, ngành chủ động triển khai và phối hợp chặt chẽ.
“Tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, công chức, người đứng đầu ở một số ngành, địa phương trong việc thực thi nhiệm vụ chưa cao. Điều này đặt ra nhiệm vụ tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tỉnh là ưu tiên hàng đầu để nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới” - ông Hà nhận định.
Còn theo bà Huỳnh Thị Thanh Thủy, cải thiện thứ hạng PCI năm 2016 và những năm tiếp theo trọng tâm sẽ đặt vào việc giải các bài toán về chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; hạn chế chi phí không chính thức; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng và bình đẳng; lãnh đạo chính quyền năng động và sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho DN…
“Quan trọng là các cấp, ngành phải tăng cường đối thoại với DN, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các DN, nhà đầu tư. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các lợi ích chính đáng của DN” - bà Thủy thông tin.
THU HIỀN
Với sự thụt lùi về chỉ số PCI của Bình Định, tại cuộc họp đánh giá tình hình KT-XH quý I.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã nhấn mạnh đến trách nhiệm của những người đứng đầu các sở, ngành liên quan cải thiện các thủ tục hành chính và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nhà đầu tư, DN. Trước mắt, tại đối thoại DN diễn ra cuối tháng 4.2016, lãnh đạo tỉnh sẽ trả lời dứt điểm khúc mắc của DN và quy rõ trách nhiệm giải quyết của từng ngành ngay tại cuộc họp.