Wushu Bình Ðịnh: Lặng lẽ nhưng…vẫn mạnh mẽ
Như tin đã đưa, tại Giải vô địch wushu toàn quốc năm 2016 vừa kết thúc cách đây ít ngày, đội tuyển wushu Bình Ðịnh đã giành được 1 HCB, 2 HCÐ. So với nhiều năm trước, đây không phải là thành tích quá nổi bật, nhưng wushu Bình Ðịnh vẫn giữ được vị thế nhất định trên đấu trường quốc gia.
Võ sĩ Đặng Đình Văn (bên trái) thi đấu trận bán kết Giải wushu Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.
Được đưa vào tập luyện tại Hà Nội từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhưng đến khoảng năm 1997, nội dung đối kháng môn wushu (shanshou) mới được những VĐV Bình Định đầu tiên tập luyện. Ở thời điểm đó, môn thể thao còn khá mới mẻ ở Việt Nam này chủ yếu sử dụng nguồn VĐV của môn võ cổ truyền, sau đó thay đổi, bổ sung một số động tác phù hợp với luật thi đấu. Phong trào tập luyện shanshou bắt đầu lan rộng và đặc biệt phát triển ở nhiều tỉnh phía Bắc. Với những đặc trưng riêng, đòi hỏi khối lượng tập luyện nặng và nhiều động tác khó, môn võ này không nằm trong danh sách ưu tiên phát triển ở nhiều đơn vị phía Nam. Nhưng suốt gần 20 năm qua, Bình Định vẫn là một trong những địa phương duy trì được thành tích cao ở các giải quốc gia.
Giai đoạn “cực thịnh” của wushu Bình Định xuất hiện vào đầu những năm 2000, khi võ sĩ Lê Công Bút và sau đó là Lê Minh Tùng thường xuyên giành HCV ở giải vô địch quốc gia, Đại hội TDTT toàn quốc (các năm 2002 và 2006) rồi HCV, HCB SEA Games… Đến Đại hội TDTT toàn quốc gần đây nhất là năm 2014, wushu cũng đóng góp cho thể thao Bình Định 1 HCB do công của võ sĩ Đặng Đình Văn. Tuy vậy, trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hệ thống phong trào hầu như chỉ là con số không, sự quan tâm đối với môn wushu chưa thỏa đáng, nên việc tập luyện và duy trì bộ môn này ở Bình Định trở nên khó khăn. Đầu năm 2013, cơ hội mở ra với wushu Bình Định, khi võ sư Lê Công Bút được Tổng cục TDTT triệu tập vào đội tuyển trẻ quốc gia với chức danh HLV trưởng. Cùng với đó, một số học trò của ông được ra Đà Nẵng tập trung đội tuyển, đem lại kỳ vọng lớn về những lứa VĐV sẽ đem về thành tích nổi bật cho tỉnh nhà trong tương lai.
Võ sĩ Đặng Đình Văn (bên phải) đã đoạt HCB môn wushu tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014.
Trong khi đó, với lợi thế địa lý nhờ nằm gần thủ đô Hà Nội, nhiều tỉnh, thành phía Bắc đã phát triển mạnh mẽ bộ môn này. Với việc thường xuyên gửi VĐV theo tập ở đội tuyển quốc gia, cho VĐV sang Trung Quốc tập huấn và tiếp cận những thông tin mới về bộ môn, các đơn vị này luôn giữ được lực lượng mạnh trong những lần thi đấu ở sân chơi quốc gia. Điều đó càng tạo nên những khoảng cách lớn về trình độ giữa các khu vực. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về trình độ của các võ sĩ Bình Định ở các giải toàn quốc, cựu VĐV đội tuyển wushu quốc gia Lê Công Bút cho biết: “Ở giải vô địch quốc gia năm nay, chúng ta có 3 võ sĩ vào bán kết, giành được 1 HCB, 2 HCĐ; trước đó, vào năm 2015, Bình Định có 4 võ sĩ vào bán kết, đoạt 2 HCB, 2 HCĐ. Điều đó cho thấy võ sĩ của chúng ta đều có khả năng tranh chấp huy chương. Tất nhiên, có một thực tế là khi càng vào sâu ở mỗi giải đấu, võ sĩ của chúng ta sẽ phải chạm trán những đối thủ mạnh, hầu hết trong số đó là thành viên đội tuyển quốc gia, được hưởng chế độ tập luyện, tập huấn vượt trội và thi đấu ở nhiều giải lớn cấp châu lục, thế giới, nên việc cạnh tranh HCV khá khó khăn. Nếu được đầu tư bài bản, tôi tin rằng wushu Bình Định hoàn toàn có thể giành thành tích cao hơn ở giải quốc gia và đóng góp VĐV cho đội tuyển Việt Nam trong tương lai không xa”.
LÊ CƯỜNG