Các cụm công nghiệp ở Hoài Ân: Thu hút đầu tư kém hiệu quả
Nhiều Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn huyện Hoài Ân được quy hoạch, xây dựng ở nơi có địa thế đẹp, diện tích rộng, thuận tiện giao thông. Song, các CCN này lại chưa phát huy được lợi thế để thu hút các nhà đầu tư, dẫn đến hàng chục hecta bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên.
Hệ thống đường giao thông tại CCN Dốc Truông Sỏi đang bị xuống cấp, hư hỏng.
Hiệu quả sử dụng thấp
Tại CCN Du Tự (thôn Du Tự, thị trấn Tăng Bạt Hổ), có diện tích quy hoạch 10 ha, song đến nay, chỉ có 2 công ty thuê đất hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm: xưởng chế biến gỗ thành phẩm và sản xuất đồ mộc của Công ty TNHH Hải Vân, diện tích 8.000m2 và xưởng chế biến nhân hạt điều xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của Công ty TNHH Tín Ân, cũng 8.000m2.
Không kém phần ảm đạm là CCN Dốc Truông Sỏi (thôn Gia Chiểu 1, thị trấn Tăng Bạt Hổ) nằm trên trục tuyến ĐT 630, được quy hoạch với diện tích 15ha, do UBND huyện Hoài Ân làm chủ đầu tư. Đến nay, CCN này chỉ có 2 doanh nghiệp và 1 cơ sở sản xuất kinh doanh đang hoạt động với diện tích đất được sử dụng gần 2 ha. Đáng nói, hệ thống đường giao thông nội bộ trong CCN hiện đang bị xuống cấp, gây không ít khó khăn trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm của doanh nghiệp.
CCN Gò Bằng (thôn Long Quang, xã Ân Mỹ) vẫn chỉ là một bãi đất trống, lơ thơ cây cỏ, dù đã được đầu tư hạ tầng từ 2 năm trước. Trong 10 ha quỹ đất quy hoạch, hiện chỉ có duy nhất Công ty cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài đăng ký đầu tư nhà máy sản xuất viên nén sinh học và chế biến lâm sản trên diện tích 4,2 ha.
Đâu là nguyên nhân?
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của các CCN trên địa bàn, ông Vũ Thành Minh, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hoài Ân, cho rằng: “Các CCN đã giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận nhỏ lao động ở địa phương. Tuy nhiên, sức hút đầu tư vào các CCN ở địa phương chưa cao, chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân”. Cũng theo ông Minh: Khó có thể xác định rằng liệu có dư thừa các CCN hiện thời hay không; bởi tiến trình từ việc xây dựng, phát triển các CCN ở huyện Hoài Ân là phù hợp với quy hoạch và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo Sở Công Thương, việc thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng (hệ thống điện, nước, đường giao thông, nhà máy xử lý chất thải) là nguyên nhân chính khiến việc thu hút dự án đầu tư vào các CCN ở huyện Hoài Ân gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong khi doanh nghiệp xác định muốn vào một CCN thuê đất đầu tư, họ phải cân nhắc bên trong CCN đã có những gì, thuận lợi cho việc kinh doanh hay không. Trường hợp CCN không được đầu tư hạ tầng, nếu vào họ phải tốn nhiều tiền để kéo điện, nước nên còn e ngại.
Để thu hút các nhà đầu tư vào các CCN, UBND huyện Hoài Ân kiến nghị UBND tỉnh nhiều nội dung. Trong đó: Với những CCN đã quy hoạch chi tiết, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng, đề nghị UBND tỉnh có chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn vốn; chỉ đạo các ngành chức năng quy định, bố trí ngành nghề phù hợp vào CCN nhằm phát huy lợi thế của địa phương, đảm bảo mỹ quan môi trường; xem xét, cân đối nguồn ngân sách của Trung ương tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp.
Có thể thấy, việc phát triển CCN thời gian qua ở huyện Hoài Ân nói riêng và các huyện, thị xã trong tỉnh nói chung, chủ yếu vẫn dùng tiền ngân sách và việc quy hoạch hay mở rộng chưa căn cứ trên khả năng thu hút đầu tư thực tế. Địa phương chưa thể tìm ra những biện pháp huy động vốn xã hội một cách hiệu quả.
Theo phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Hoài Ân, thực hiện lộ trình phát triển ngành công nghiệp, hiện nay, toàn huyện đã quy hoạch, xây dựng và đưa vào khai thác 4 CCN, gồm: CCN Dốc Truông Sỏi, CCN Du Tự, CCN Tân Thạnh và CCN Gò Bằng, với tổng diện tích 50 ha. Mặc dù, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và một số CCN đã có nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng đến nay, diện tích đất bị bỏ trống trong CCN chiếm tỉ lệ khá lớn.
TRỌNG LỢI