Vĩnh Thạnh: Hiệu quả từ chương trình lúa lai
Thay đổi cơ cấu giống và thói quen canh tác truyền thống, nâng cao năng suất, giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ, góp phần bảo đảm lương thực bền vững là những kết quả mà các chương trình đưa lúa lai về vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh đã đạt được.
Do trình độ của bà con còn nhiều hạn chế, chưa biết áp dụng KHKT vào sản xuất, ban đầu chỉ trồng những giống lúa truyền thống, năng suất thấp, khả năng chống chọi sâu, bệnh kém. Với chương trình hỗ trợ giống lúa lai của tỉnh, trong mấy năm qua, 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh đã sản xuất bằng giống lúa lai theo quy trình thâm canh. Cùng với nguồn giống hỗ trợ của tỉnh, huyện Vĩnh Thạnh cũng đã đầu tư phân bón, chuyển giao tiến bộ KHKT cho bà con theo cách cầm tay chỉ việc. Nhờ đó, đến nay đồng bào Bana trên địa bàn huyện đã nắm vững quy trình thâm canh lúa lai và ứng dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Đinh Thị Hoay, một nông dân ở làng 5, xã Vĩnh Thuận làm lúa lai hơn 6 năm nay. Vụ này, gia đình bà làm 2 sào lúa bằng giống lúa lai TH3-5 do tỉnh hỗ trợ; nhờ chăm sóc tốt nên năng suất bình quân đạt 61 tạ/ha. Bà Hoay chia sẻ: “Mới đầu làm lúa lai cũng ngại vì sợ khó chăm sóc, nhưng khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, mình thấy làm lúa lai cũng không khác mấy so với lúa của bà con trước đây. Chỉ cần mình siêng năng, chịu khó là được nhiều lúa”.
Ông Nguyễn Hữu Xuân, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Lâu nay, bà con dân tộc thiểu số các huyện miền núi nói chung, Vĩnh Thạnh nói riêng, có thói quen trồng những giống lúa truyền thống, năng suất thấp, khả năng chống chọi sâu, bệnh kém, nên kết quả sản xuất không cao, đời sống luôn khó khăn. Để giúp cho đồng bào Bana đưa cây lúa lai vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lúa, trong những năm qua, Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thạnh đã tiến hành khảo nghiệm một số giống lúa trên địa bàn huyện, triển khai các mô hình sản xuất lúa lai tại các làng miền núi của 9 xã, thị trấn, từng bước giúp bà con nắm vững quy trình thâm canh lúa lai. Nhờ vậy năng suất lúa tại các làng miền núi đã được nâng lên bình quân 60 tạ/ha. Đây là tín hiệu vui trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao thu nhập từ sản xuất cho người nông dân, nhất là bà con nông dân đồng bào dân tộc thiểu số.
Chương trình sản xuất lúa lai về vùng khó khăn không những giải quyết được nhu cầu lương thực tại chỗ cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn góp phần tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân một cách bền vững.
XUÂN DŨNG