Báo Singapore cảnh báo về ô nhiễm không khí tại Hà Nội
“Nếu bạn tới thành phố này vào ban ngày, tất cả mọi người đều đeo khẩu trang. Ai cũng muốn bảo vệ gương mặt và cơ thể khỏi tác động từ môi trường”, trang Channel News Asia (Singapore) đã viết như vậy khi nói về vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
Lớp bụi dày đặc bao trùm thành phố Hà Nội, ảnh chụp tháng 3/2016.
Bầu không khí ô nhiễm ở mức nguy hiểm 9h sáng ngày 1/3, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội thông báo chỉ số chất lượng không khí ở mức 388 điểm, đây là mức nguy hiểm. “Trong tình trạng ô nhiễm như vậy, người dân không nên ra ngoài trời”, Mai Hoàng Nam, một nhân viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói. “Nhưng tại Hà Nội, người ta vẫn đi ra ngoài. Khi đi xe máy, thậm chí họ còn không đeo khẩu trang”.
Năm 2012, Công ty phân tích ô nhiễm môi trường ARIA Technologies xếp hạng Hà Nội là một trong những thành phố có chất lượng không khí tệ nhất ở Đông Nam Á Còn theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc Môi trường Việt Nam, giao thông đóng góp 70% vào tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội và vấn đề này mới chỉ nổi lên trong những năm gần đây. Từ giữa những năm 1990, xe đạp là phương tiện giao thông chủ yếu ở Việt Nam. Tuy nhiên, với nhịp độ phát triển kinh tế nhanh chóng, xe đạp dần dần nhường chỗ cho xe máy. Các số liệu thống kê chính thức cho thấy, hiện có khoảng 5,3 triệu xe máy và 560.000 ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội. Không chỉ dừng ở đó, số lượng xe máy được dự báo sẽ tăng 11% và xe ô tô sẽ tăng khoảng 17% mỗi năm. Ước tính, tới năm 2020, sẽ có gần 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy tham gia lưu thông trên các đường phố Hà Nội.
“Hầu hết mỗi người đều sở hữu một chiếc xe máy, trong khi giao thông công cộng lại hạn chế và chưa phổ biến lắm. Người dân cũng không có thói quen đi bộ. Kể cả đi quãng đường rất ngắn, người ta cũng sử dụng xe máy”, một người dân cho biết. Mối đe dọa sức khỏe Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng khoảng 44.000 người dân Việt Nam mỗi năm. Số liệu từ Cục Y tế, Bộ Giao thông Vận tải chỉ ra rằng, Hà Nội phải đối mặt với nhiều bệnh hô hấp hơn và người dân phải chi trả chi phí chữa bệnh hô hấp cao gấp đôi so với người dân sống ở các đô thị khác. Số lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng, vượt quá tốc độ nâng cấp cơ sở hạ tầng của Hà Nội khiến tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Những con đường nhỏ hẹp thường thấy ở thành phố giờ đây gây khó khăn cho việc di chuyển của dòng xe cộ đông đúc. Anh Thanh, người từng làm nhân viên ngành quy hoạch đô thị giải thích: “Nhiều tuyến đường được thiết kế không phải dành cho ô tô. Nhiều con đường chỉ có 2 làn. Giờ đây có quá nhiều người và phương tiện, cần phải mở rộng đường xá, nhưng để làm được điều này là không đơn giản bởi chi phí đền bù giải phóng mặt bằng rất cao”.
Kể cả khi những tuyến đường mới được xây dựng, một số quan chức cảnh báo, chỉ vài năm nữa, những tuyến đường này rồi sẽ trở nên đông đúc. Để đáp ứng tốc độ gia tăng phương tiện giao thông, theo ước tính, Hà Nội cần nguồn đầu tư lên tới 20 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để mở rộng mạng lưới giao thông. Hiện nay, 2 dự án đường sắt đang được triển khai, nhưng tốc độ khá chậm chạp, chưa đóng góp vào việc giải quyết tình trạng ùn tắc ở Hà Nội. Theo kế hoạch, 8 tuyến đường sắt trên cao đang chuẩn bị được xây dựng. Các dự án này được phối hợp và cung cấp tài chính bởi các định chế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á và Ngân hàng đầu tư Châu Âu. Giải pháp duy nhất: Giao thông công cộng Theo Phó giáo sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Bộ Xây dựng, giải pháp cho vấn đề môi trường và giao thông ở Hà Nội không phải là làm những con đường tốt hơn hay ưu tiên cho xe hơi, mà thay vào đó, các nhà quản lý cần chú trọng phát triển giao thông công cộng. “Đầu tiên, cần phát triển xe buýt nhanh, sau đó là tàu điện và tàu cao tốc”. Hiện nay, xe buýt là phương tiện vận tải công cộng duy nhất ở Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng hành khách ngày một giảm sút do thiếu đầu tư vào chất lượng dịch vụ. “Nếu giao thông công cộng tốt, tôi sẽ lựa chọn phương tiện này thay vì đi xe gắn máy”, Mai Hoàng Nam, một nhân viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói.
Trong khi các chuyên gia môi trường cảnh báo sẽ xảy ra tình trạng “không khí ngày tận thế” nếu chất lượng không khí ngày một đi xuống, nhưng phát biểu về trách nhiệm của mình, một chủ cửa hàng kinh doanh xe gắn máy lại quả quyết: “Đó là việc của chính phủ, chẳng phải việc của tôi!”.
Theo HNM, Channel News Asia