“Sách làm cho cuộc sống tôi tốt đẹp hơn”
Hơn 10 năm miệt mài, đều đặn duy trì thói quen đến nhà sách mỗi ngày, mỗi ngày đều trích ra một phần trong thu nhập ít ỏi để dành thi thoảng mua sách, xây dựng tủ sách gia đình, dành quỹ thời gian nhất định trong ngày cho việc đọc, “cuộc sống tốt đẹp hơn” chính là điều ông Đinh Văn Dũng đúc kết, khi nói về tác dụng, ý nghĩa của sách.
Ông Đinh Văn Dũng (50 tuổi, ở phường Nhơn Phú - TP Quy Nhơn) làm nghề chạy xe ôm, là bạn đọc thiết thân của Nhà sách Fahasa Quy Nhơn. Chẵn 10 năm kể từ khi Fahasa Quy Nhơn ra đời (vào năm 2006), cứ tầm 5 giờ chiều đến 7 giờ tối, không ngày nào ông Dũng vắng mặt. Sau một ngày mưu sinh vất vả, vài giờ say mê bên trang sách, chính tại không gian yên ắng và rất đỗi thân quen của một nhà sách mà mình đã gắn bó bao năm, chính là cách ông Dũng tự thưởng cho mình, để thư thái tinh thần và để học, tự học…
Nhân viên Nhà sách Fahasa Quy Nhơn đã quen với sự có mặt đều đặn mỗi ngày của ông Dũng.
Ông Dũng quê ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, học đến cao đẳng nghề (cơ khí), từng làm công nhân cơ khí trước khi vào Quy Nhơn mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm từ năm 1990. Mê đọc sách từ nhỏ nhưng thời buổi bấy giờ, vùng nông thôn quê ông khan hiếm sách, nguồn đọc duy nhất là ở thư viện trường, chủng loại sách không mấy phong phú. Vào Quy Nhơn mưu sinh, sở thích đọc sách của ông Dũng có điều kiện phát huy. Tuy phải nhọc nhằn kiếm sống bằng những công việc lao động phổ thông, song trong ông Dũng chưa bao giờ vơi đi lòng ham mê đọc sách, nhu cầu học hỏi, tự trang bị, bồi bổ tri thức cho mình. Thời gian trước khi Fahasa Quy Nhơn ra đời, ông Dũng thường xuyên lui tới các nhà sách tư nhân ở Quy Nhơn, cũng như từng là khách quen của Nhà sách Gia Lai (chi nhánh Quy Nhơn, ra đời từ năm 2003). Sở thích đi nhà sách đã nâng lên thành thói quen đều đặn mỗi ngày kể từ khi Fahasa khai trương chi nhánh mới tại Quy Nhơn, bởi nơi đây có nguồn sách dồi dào, đa dạng và đặc biệt là rất tạo điều kiện, thiện cảm, trân trọng người “đọc ké” như ông Dũng. “Nhà sách này là nơi tôi giải trí tinh thần và là trường học cho mình”, ông Dũng khẳng định.
Theo ông Dũng, sẽ hơi dông dài để nói về những giá trị lớn lao khó đong đếm được và cả những điều giản dị, thiết thực mà sách mang lại cho bản thân ông cũng như gia đình. Song, một điều chắc chắn, cuộc sống của gia đình này đã trở nên tốt đẹp hơn cùng với quá trình ông Dũng chọn sách làm người bạn hiền đồng hành cùng mình trong cuộc sống.
Ông Dũng dẫn ra vài ví dụ sinh động để minh chứng cho lời mình: “Tôi vốn đam mê thể loại sách y học, nhờ chịu khó đọc, tìm hiểu mà có thể tự chữa được chứng bệnh đau đầu mạn tính cho mình bằng các phương thuốc dân gian rẻ tiền, hiệu quả. Trước đây, cứ vào mùa đông, bệnh trở nặng, khi nhà có tiền thì mua thuốc uống hoặc vào bệnh viện chữa trị, gặp lúc túng bấn thì phải chịu đựng bệnh. Sách y học cũng giúp tôi tự trang bị những kiến thức căn bản lẫn chuyên sâu để chăm sóc sức khỏe cho gia đình, người thân, chia sẻ, tư vấn cho ai đó cần giúp. Tôi đọc sách kinh tế, chính trị, lịch sử, tâm lý, phong thủy… để mình có kiến thức xã hội, để dẫu chỉ là anh chạy xe ôm nhưng ít ra trong đầu cũng có hiểu biết cơ bản về một số lĩnh vực, vấn đề quan trọng. Khi Fahasa Quy Nhơn ra đời, con gái thứ 2 của tôi - Đinh Hoàng Văn - vào lớp 1, chiều chiều tôi dẫn con đi nhà sách cùng, vô tình dần dà cháu mê đọc sách như cha. Tôi rất tin, tâm tính cháu thảo hiền, ham học, sớm có ý thức chọn lọc trong nghe, xem giải trí, không sa đà bị ảnh hưởng bởi văn hóa mạng độc hại một phần nhờ thói quen đọc sách được nhen nhóm từ nhỏ…”, ông Dũng chia sẻ.
Theo chị Mai Thị Thu Hằng, Cửa hàng trưởng Fahasa Quy Nhơn, mọi nhân viên của cửa hàng (tại địa điểm Trung tâm Thương mại Quy Nhơn) đều quen với sự có mặt mỗi ngày của người “khách ruột” này. Trân trọng tình yêu sách của ông Dũng, từ nhiều năm trước, nhân viên Fahasa Quy Nhơn đã chủ động xin số điện thoại của ông để kịp thời thông báo khi có đợt giảm giá sách, khuyến mãi hay sách mới, sách hay về…
Đồng thời với thói quen đến nhà sách mỗi ngày để đọc miễn phí, ông Dũng thực hiện rất nghiêm túc việc trích một phần nhỏ thu nhập mỗi ngày kiếm được từ nghề chạy xe ôm để mua những cuốn sách tâm đắc, gây dựng tủ sách gia đình. “Chỉ là 10 đến 20.000 đồng mỗi ngày, coi như nhịn “lai rai”, có khi góp vài tháng mới mua được cuốn, bộ sách ưng ý. Sách mua về nhiều khi không có thời gian để đọc, có cuốn chỉ đọc vài trang, vài chương chỗ vấn đề cần tìm hiểu rồi để đó song vẫn mua đều, để dành, vì tâm lý cứ sợ biết đâu cuốn này sau này không tái bản thì mình không có! Mỗi ngày tôi dành khoảng 3 - 4 tiếng để đọc sách, một nửa thời gian đọc ở nhà sách và một nửa lúc khuya, trước khi đi ngủ, chỉ mong về già bớt lo toan mưu sinh, nhàn hạ chút để được đọc nhiều hơn”.
NGUYỄN THỊ