Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Ðịnh năm 2015: Giàu tính thực tiễn, dễ nhân rộng
Ngày 19.4, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã tổ chức tổng kết, trao giải thưởng Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Ðịnh năm 2015. Qua Hội thi, có 11 giải pháp xuất sắc đã được Ban tổ chức trao giải thưởng. Các giải pháp đoạt giải đều có sự đầu tư công phu, dễ áp dụng và nhân rộng, được nhiều nông dân học tập làm theo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả
Là người trồng nấm sò, nấm mèo và nấm rơm nhiều năm, kinh nghiệm sản xuất có thừa, nhưng ông Đỗ Đình Hòa, ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn) vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc khử trùng bịch phôi nấm. “Khử trùng phôi nấm để triệt tiêu các các loại vi sinh vật có hại là một trong những công đoạn quan trọng trong sản xuất nấm. Trước đây, tôi đã nghiên cứu, chế tạo nồi áp suất, đem vào lò đun hấp cách thủy, tạo nhiệt ẩm để hấp khử trùng phôi nấm, nhưng nhiệt độ thường không cao, chỉ đạt từ 90 - 95OC. Với mức nhiệt độ này, thời gian hấp khử trùng kéo dài 5 - 6 giờ, tốn kém nhiên liệu và chất lượng thanh trùng không cao, nấm bị hư hại nhiều, hiệu quả sản xuất không đạt yêu cầu - ông Hòa thổ lộ.
Các hội viên nông dân đạt giải cao tại Hội thi “Sáng tạo nhà nông” năm 2015 nhận Giải thưởng và Bằng khen của Hội Nông dân.
Năm 2012, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu giải pháp nâng cao nhiệt độ khử trùng nấm và đã thành công. Cách làm của ông là độ chế thêm một cái hộp sắt kín, bên trong rỗng. Hộp sắt được nối với một ống sắt thông từ nồi áp suất để dẫn nhiệt ẩm vào nơi khử trùng bịch phôi. Hộp sắt được gắn bên cạnh đáy chảo, dùng lửa để nung nóng. Với cách làm này, ông đã nâng được nhiệt độ nơi khử trùng bịch phôi lên 160OC, đảm bảo khử trùng các bịch phôi nấm; tỉ lệ bịch phôi đạt chuẩn từ 75% tăng lên 98%. Theo ông Hòa, chi phí để làm thiết bị nâng nhiệt khử trùng phôi nấm chỉ khoảng 1 triệu đồng, nhưng hiệu quả sản xuất nấm tăng thấy rõ.
Với mong muốn thay đổi phương thức nuôi bồ câu thả rông truyền thống, ông Huỳnh Văn Lam, ở KV3, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) đã nghiên cứu, cải tiến phương thức nuôi bồ câu Pháp lấy thịt bằng cách cải tạo lại chuồng trại, chế tạo thành từng ô lồng hình vuông bằng sắt, rộng khoảng 45 cm, để nuôi bồ câu nhốt, mỗi ô lồng 1 cặp bồ câu. Ông Lam cho biết: “Nuôi bồ câu thả rông rất khó quản lý được đàn, bồ câu sinh sản không đều, tỉ lệ trứng nở rất thấp, nên hiệu quả kinh tế không cao. Việc phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi chuyển sang nuôi nhốt, việc quản lý, chăm sóc, phòng trị bệnh cho vật nuôi dễ dàng hơn. Bình quân 20 ngày tôi xuất 1 lứa bồ câu thịt và 30 ngày xuất 1 lứa bồ câu giống”. Hiện ông Lam đang nuôi 300 cặp bồ câu Pháp, mỗi tháng gia đình ông thu nhập 17 triệu đồng, lãi ròng trên 8 triệu đồng.
Theo HND tỉnh, ngoài 2 giải pháp nói trên, còn có hàng chục giải pháp thuộc các lĩnh vực: cơ khí, trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ môi trường... của các hội viên nông dân trong tỉnh đã được các cấp hội ở cơ sở lựa chọn tham gia Hội thi “Sáng tạo nhà nông” cấp huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có nhiều giải pháp xuất sắc đã được các cấp hội lựa chọn tham gia Hội thi Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2015.
Ông Huỳnh Văn Lam, ở KV3, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) đã áp dụng phương pháp nuôi nhốt bồ câu Pháp, mang hiệu quả cao.
Tiếp tục phát huy
HND tỉnh vừa tổ chức lễ trao giải Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Định năm 2015 cho các hội viên nông dân đạt giải. Bà Lê Thị Kim Mai, Chủ tịch HND tỉnh, cho biết: Từ thực tế sản xuất, các hội viên nông dân đã phát huy tinh thần sáng tạo, nghiên cứu, tự xây dựng và thực hiện các giải pháp sáng tạo phục vụ sản xuất. Bên cạnh những giải pháp được đầu tư công phu, cũng có những giải pháp đơn giản nhưng rất thiết thực, mang lại hiệu quả cao và dễ áp dụng, đã được phổ biến rộng rãi. Một số sản phẩm tuy không hoàn toàn mới, nhưng qua quá trình sử dụng, nông dân tiếp tục nghiên cứu, cải tiến lại, giúp giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Nhìn chung, chất lượng và tính khả thi của các giải pháp sáng tạo của hội viên, nông dân tham gia hội thi lần này cao hơn lần trước nhiều.
Cũng theo bà Lê Thị Kim Mai, nhằm phát huy tính sáng tạo của hội viên nông dân, sau hội thi này, HND tỉnh sẽ phối hợp với Sở KH&CN tổ chức tập huấn hướng dẫn hội viên nông dân đạt giải cao xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa; đăng ký đề tài, giải pháp khoa học để tiếp tục dự thi sáng tạo nhà nông do Trung ương HND Việt Nam tổ chức. Đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu thực hiện các giải pháp trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hội cũng đã phát động Hội thi “Sáng tạo nhà nông tỉnh Bình Định năm 2016”.
Bài và ảnh: PHẠM TIẾN SỸ
Kết quả Hội thi “Sáng tạo nhà nông” tỉnh Bình Định năm 2015: Giải Nhất: ông Đỗ Đình Hòa, ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (Tây Sơn) với giải pháp “Thiết bị nâng nhiệt khử trùng nấm”. Giải Nhì: ông Huỳnh Văn Lam, ở tổ 2, KV3, phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) với giải pháp “Cải tiến kỹ thuật nuôi bồ câu Pháp lấy thịt”; và ông Vương Hữu Thuận, ở thôn Hội Lộc, xã Cát Hưng (Phù Cát) với giải pháp “Máy bơm nước”. Ban tổ chức còn trao 3 giải Ba và 5 giải khuyến khích cho 8 giải pháp sáng tạo của hội viên nông dân ở Phù Cát, Hoài Nhơn, Vĩnh Thạnh, An Nhơn và An Lão.