Cảnh báo nạn cháy rừng
Từ cuối năm 2015 và đầu năm 2016 đến nay, liên tục các đợt nắng nóng kéo dài xảy ra đã làm cho các khu vực rừng ở tỉnh ta trở nên khô hạn, phải đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Theo Chi cục Kiểm lâm (KL) tỉnh, trong 4 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra gần 10 vụ cháy rừng, gây thiệt hại nhiều diện tích rừng phòng hộ và rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Hầu hết diện tích rừng bị cháy là rừng trồng của các công ty lâm nghiệp, gồm rừng keo, bạch đàn, dầu rái… Các địa phương thường xảy ra cháy rừng là huyện Hoài Nhơn, Vân Canh, Phù Cát, Tuy Phước.
Ông Phạm Văn Lộc, Hạt trưởng Hạt KL huyện Vân Canh, cho biết: “Hàng năm cứ đến mùa hanh khô, nguy cơ cháy rừng tại khu vực rừng trồng của các doanh nghiệp ở các xã Canh Vinh, Canh Liên, Canh Hiệp là khá cao do các điều kiện về phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) chưa đạt yêu cầu. Mới đây nhất, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại tiểu khu 339, xã Canh Vinh đã thiêu rụi 10 ha rừng; trong đó, rừng tự nhiên dầu rái và 9 ha rừng trồng keo lai từ 1 - 3 năm tuổi”.
Thời tiết hanh khô kéo dài nên việc đốt thực bì luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.
- Trong ảnh: Người dân đốt thực bì ở vùng rừng làng K4, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh.
Tương tự, một số rừng trồng ở các khu vực như: dãy núi Dông Bồ - Gò Cầy thuộc 2 xã Hoài Hải, Hoài Mỹ (Hoài Nhơn); khu vực núi Đá Đen, thuộc địa bàn thôn Bình An 2, xã Phước Thành (Tuy Phước) hay vùng rừng dọc núi Bà Hỏa, núi Vũng Chua (TP Quy Nhơn),… hầu như không có chòi canh lửa nào được xây dựng. Hơn nữa, hàng ngày, tại các khu vực rừng kể trên có nhiều người ra vào rừng tự do để chăn thả bò, dê, săn bắn chim thú, lấy củi, đốt tổ ong, nhưng không thấy có lực lượng nào lưu ý, nhắc nhở PCCCR.
Gần đây nhất (ngày 6.4), tại khoảnh 7, tiểu khu 96, xã Hoài Đức đã xảy ra vụ cháy rừng. Đáng nói, dù các ngành chức năng đã huy động 51 người tham gia và triển khai việc chữa cháy rừng, nhưng đám cháy đã kịp thiêu rụi 3,1 ha rừng trồng nhiều năm tuổi.
Hiện nay, mùa khô ở tỉnh ta vẫn còn tiếp diễn và theo dự báo nắng nóng vẫn còn kéo dài đến cuối tháng 8, nên nguy cơ cháy rừng rất dễ xảy ra. Việc tổ chức tuyên truyền ý thức bảo vệ rừng, PCCCR cần được ngành KL và các tổ chức, hội, đoàn thể chú trọng; bởi với các trang thiết bị chữa cháy hiện có còn rất hạn chế về tính năng. Do vậy, biện pháp khả thi nhất hiện nay là xây dựng các phương án cảnh báo, dự báo cháy rừng, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục KL tỉnh, cho biết: Để chủ động PCCCR, thời gian qua, Ban chỉ huy PCCCR của tỉnh đã được củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho 132 Ban chỉ huy bảo vệ rừng và PCCCR xã, phường, thị trấn cùng 711 tổ đội bảo vệ rừng và PCCCR. Chi cục KL cũng đã yêu cầu các Hạt KL, các chủ rừng xây dựng, củng cố các tổ đội bảo vệ rừng, đội PCCCR thường xuyên tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR; vận động người dân ở các địa phương có rừng quan tâm hơn đến công tác này. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn từ Dự án nâng cao năng lực PCCCR giai đoạn 2014 - 2016, tỉnh ta cũng đã trang bị cho các Hạt KL, Đội KL, tổ xung kích và các ban quản lý rừng phòng hộ tại các địa phương 40 máy thổi gió cùng các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho công tác PCCCR.
Có thể thấy, PCCCR là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý - bảo vệ rừng. Để công tác này đạt hiệu quả thiết thực, thì cần phải có sự tham gia của cả cộng đồng, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành chức năng và nhất là của người dân.
H.NHI