Sẽ chuyển toàn bộ thẻ ATM sang thẻ chip
Toàn bộ thẻ ghi nợ nội địa, còn gọi là thẻ ATM, trên thị trường Việt Nam sẽ được chuyển đổi sang thẻ chip. Dự án được bắt đầu vào năm nay và kết thúc vào năm 2020.
Muộn nhất vào năm 2020, tất cả thẻ ghi nợ nội địa có dải băng từ do các ngân hàng Việt Nam phát hành sẽ được chuyển qua thẻ chip. Đây là dự án được Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) thực hiện dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp của các ngân hàng thương mại. Napas là công ty sau sáp nhập giữa Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknetvn) và Công ty cổ phần dịch vụ thẻ Smartlink. Thương vụ sáp nhập hoàn tất vào tháng 4-2015.
Một số mẫu thẻ chip của các ngân hàng sẽ phát hành. Ảnh: Napas cung cấp
Trao đổi với TBKTSG Online, bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Napas, cho biết theo lộ trình được Napas cùng với các ngân hàng đang xây dựng để trình Ngân hàng Nhà nước ban hành, đến năm 2020 toàn bộ thị trường thẻ sẽ không còn thẻ từ (thẻ nhựa thanh toán tích hợp dữ liệu trên dải băng từ) mà chuyển sang thẻ chip theo chuẩn EMV (thẻ nhựa thanh toán tích hợp dữ liệu bằng con chip).
Năm ngân hàng đầu tiên sẽ thí điểm áp dụng việc chuyển đổi này dự kiến từ năm nay 2016 rồi mới tới các ngân hàng còn lại, và việc chuyển đổi trên diện rộng bắt đầu từ 2017. Thẻ sẽ được các ngân hàng thu đổi theo cách “cuốn chiếu” cho đến hạn chót là năm 2020.
Vì sao phải “cuốn chiếu”? “Bởi vì với số lượng thẻ khổng lồ trên thị trường hiện nay, khoảng 90 triệu thẻ, gần bằng số dân, các ngân hàng không thể chuyển đổi hết cùng một lúc. Đồng thời với việc chuyển đổi chiếc thẻ vật lý, ngân hàng phải nâng cấp, thay đổi và chuẩn hóa mạng lưới máy ATM và POS của mình để tương thích với thẻ chip”, bà Tú Anh giải thích.
Các ngân hàng sẽ công bố lộ trình chuyển đổi thẻ riêng của mình trên tinh thần có các chương trình khuyến khích người dùng tự nguyện chuyển đổi, nhưng tới năm cuối cùng khách hàng sẽ buộc phải chuyển đổi thẻ vì khi đó đã đến hạn chót do cơ quan quản lý đặt ra.
Vì sao có sự chuyển đổi này? Bà Tú Anh cho biết, chuẩn thẻ EMV với thẻ quốc tế đã được các tổ chức thẻ quốc tế ban hành và áp dụng từ lâu trên toàn cầu. Ở Việt Nam, với thẻ nội địa, Ngân hàng Nhà nước giờ đây mới giao cho Napas xây dựng đề án tiêu chuẩn thẻ chip nội địa. Trong đó lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là một phần của quy trình nâng cấp và chuẩn hóa thị trường thẻ Việt Nam.
Cũng theo lý giải của bà, việc chuyển đổi thẻ ngân hàng cho toàn bộ người dùng Việt Nam lần này là lộ trình phải thực hiện cùng với các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Hầu hết các quốc gia đã “chip hóa” thị trường thẻ. Ví dụ như ở Mỹ, vốn bị coi là thị trường thẻ bảo thủ, cũng đang chuyển đổi. Trung Quốc với số thẻ gấp 3 lần số dân (khoảng 1,2 tỷ người) đã “chip hóa” thẻ từ gần xong. Việt Nam không có lý do gì để đứng ngoài xu thế chung bởi nếu các nước khác đều đã chuyển đổi sang thẻ chip thì Việt Nam trở thành vùng trũng thế giới, tội phạm thẻ sẽ dồn về đây để hoạt động.
“Những tấm thẻ ghi nợ nội địa chúng ta gọi là thẻ ATM hiện nay không tuân theo chuẩn quốc tế một cách đầy đủ và đồng nhất ở toàn bộ các ngân hàng. Vì thế nên mặc dù gần 15 năm nay các ngân hàng đều phát hành thẻ nhưng việc đưa các công nghệ số hóa tích hợp vào tấm thẻ trên tay người dùng Việt Nam không dễ”, bà Tú Anh nói.
“Thẻ chip mới có thể số hóa để chuyển giao dịch sang thiết bị di động cũng như khi mình đưa ra mọi thiết bị thanh toán nó mới không phủ nhận, đồng thời tránh rủi ro cho người dùng”, bà nói.
Ngân hàng Nhà nước tới đây sẽ ban hành tiêu chuẩn thẻ chip quốc gia tương thích với tiêu chuẩn thẻ chip quốc tế hiện nay và “mở” cho mọi nhà cung cấp, khi đó mọi nhà cung cấp mới có cơ hội phát triển đầy đủ các ứng dụng với thẻ.
Napas sau khi hợp nhất hai liên minh thẻ lớn nhất Việt Nam trở thành trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất, cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử tại Việt Nam.
Công ty có cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Nhà nước hiện đang quản trị và vận hành hệ thống chuyển mạch thẻ quốc gia, kết nối liên thông mạng lưới 16.800 máy ATM, 220.000 máy POS, phục vụ 90 triệu chủ thẻ nội địa của 43 ngân hàng thương mại trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam. Napas đồng thời cung cấp dịch vụ cổng thanh toán thương mại điện tử kết nối với hơn 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực hãng hàng không, viễn thông, khách sạn, du lịch…
Theo Hồng Phúc (TBKTSG)