Ngành gỗ đã chủ động được 70% nguyên liệu
Với việc tăng cường trồng và bảo vệ rừng, hiện nay, ngành chế biến gỗ đã chủ động được 70% nguồn nguyên liệu gỗ trong nước thay vì phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu như trước.
Ngành gỗ đã chủ động được 70% nguồn nguyên liệu gỗ từ trong nước.
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), hiện nay, qua theo dõi và phân tích số liệu về giá trị xuất nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản trong vòng 10 năm qua cho thấy ngành công nghiệp chế biến gỗ đã có được bước phát triển đều, mạnh mẽ qua các năm.
Về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2006, kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt 1,93 tỉ đô la Mỹ, thì đến năm 2010, kim ngạch đã đạt 3,436 tỉ đô la Mỹ, tức là tăng gấp hơn 1,5 lần trong vòng 5 năm từ 2006 đến 2010. Tiếp đó, doanh số tăng trưởng đều qua các năm tiếp theo và đạt 6,9 tỉ đô la Mỹ vào năm 2015, tức là tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm từ 2010 đến 2015.
Tính chung cho 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản đã tăng lên gấp khoảng 3,6 lần. Điều đó cho thấy ngành công nghiệp chế biến gỗ đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với các ngành hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong năm 2016, theo ước tính của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm nay có thể đạt 7,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với năm 2015 do hết quý 4/2015, các doanh nghiệp đã ký được 80% đơn hàng và nhiều thị trường mới tăng cường nhập khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Về nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, năm 2006, kim ngạch nhập khẩu gỗ là 755 triệu đô la Mỹ thì đến năm 2010, kim ngạch nhập khẩu gỗ là 1,147 tỉ đô la Mỹ, tăng gấp 1,5 lần trong vòng 5 năm. Tiếp đó cũng tăng đều qua các năm và đạt 1,66 tỉ đô la Mỹ năm 2015. Tính chung trong vòng 10 năm từ 2006 đến 2015, giá trị nhập khẩu tăng khoảng 2,8 lần.
Trong giai đoạn 2006-2010, do thiếu nguồn nguyên liệu trong nước, Việt Nam đã phải sử dụng chủ yếu gỗ nhập khẩu để phục vụ công tác chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, từ năm 2010, do nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu trong nước đã tăng lên đáng kể. Cụ thể, năm 2010, Việt Nam đã sử dụng khoảng 7,43 triệu m3 gỗ nguyên liệu (quy theo gỗ tròn), trong đó có khảng 5 triệu m3 từ nguồn khai thác trong nước.
Theo ông Hà, đến năm 2015, trong khoảng 27 triệu m3 nguyên liệu sử dụng cho chế biến, Việt Nam chỉ sử dụng khoảng 4,7 triệu m3 gỗ nhập khẩu.
“Tỷ trọng sử dụng nguồn nguyên liệu đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đến nay chúng ta đã chủ động được khoảng 70% nguồn nguyên liệu trong nước phục vụ chế biến xuất khẩu”, ông Hà nói và cho biết, đây là kết quả từ những nỗ lực của người dân, các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và của toàn xã hội trong việc thực hiện tốt các chương trình, dự án về bảo vệ và phát triển rừng trong suốt thời gian từ những năm 2000 đến nay.
Theo Thùy Dung (TBKTSG)