Đồng bào dân tộc thiểu số Vân Canh với nỗ lực thoát nghèo
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, nhiều chính sách ưu tiên đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đã được triển khai có hiệu quả ở huyện Vân Canh, góp phần cải thiện cuộc sống người dân vùng ĐBDTTS trên địa bàn.
Về thăm các làng ĐBDTTS ở Vân Canh, chúng tôi thực sự ấn tượng với những đổi thay đáng kể trong từng ngôi nhà, từng đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, khang trang; nhiều ngôi nhà trị giá hàng trăm triệu đồng đã được xây dựng; bà con không những đã sắm được phương tiện đi lại, phương tiện nghe nhìn mà còn sắm được máy móc thiết bị để phát triển sản xuất.
Chăn nuôi bò giúp nhiều hộ ĐBDTTS Vân Canh thoát nghèo. Ảnh: H.P
Để giúp ĐBDTTS thoát nghèo, các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện đã tập trung lãnh đạo sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn 135, 134, 30a…, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt, bò giống cho ĐBDTTS; xây dựng các mô hình khuyến nông đem lại giá trị kinh tế cao... Đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.
Xã Canh Thuận là xã nghèo với hơn 90% dân số là ĐBDTTS; cấp ủy đảng, chính quyền xã đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách ưu tiên của Ðảng, Nhà nước dành cho vùng ĐBDTTS để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của xã. Các mô hình sản xuất như vỗ béo bò, nuôi bò lai, trồng cây sa nhân, nuôi ong lấy mật, trồng rừng nguyên liệu giấy, trồng mì cao sản... đạt hiệu quả tích cực. Bà con còn phát triển trồng rừng nguyên liệu giấy, chăn nuôi bò lai, dê bách thảo, heo rừng lai..., đem lại hiệu quả kinh tế cao.
5 năm qua, đồng bào các dân tộc ở xã Canh Thuận đã đầu tư hơn 15 tỉ đồng xây dựng nhà ở, chỉnh trang khuôn viên gia đình và thôn, làng khang trang, sạch đẹp, với hơn 80% số hộ có nhà xây kiên cố, 70% số hộ có tường rào, cổng ngõ. Anh Đinh Văn Đẹp, dân tộc Bana ở làng Kà Te - xã Canh Thuận, là một minh chứng cho sự nỗ lực thoát nghèo không mệt mỏi. Qua 12 năm cần cù trồng mì, chuối, mía và trồng keo, từ thu nhập tích lũy được, anh đã xây nhà tiền tỉ.
Từ khi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, anh Đoàn Văn Dặm, dân tộc Bana, ở làng Đăk Đưm, thị trấn Vân Canh, đã quyết định phát triển kinh tế theo hướng đa cây, đa con. Trên diện tích 9 ha đất rừng, anh bố trí 2 ha trồng chuối, đu đủ, thơm, 7 ha trồng keo; 2 ha đất thổ anh trồng mì cao sản; 3 sào ruộng nước sản xuất 2 vụ ăn chắc. Anh còn nuôi 4 con bò, 5 con heo, 30 con gà, thu nhập mỗi năm khoảng 110 triệu đồng. Gia đình anh đã thoát nghèo và có tích lũy xây dựng được nhà cửa kiên cố, khang trang; con cái được học hành chu đáo.
Những nỗ lực của chính quyền địa phương và của bản thân từng gia đình đã làm cho đời sống của ĐBDTTS ở huyện Vân Canh được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn miền núi thêm khởi sắc. Đến nay có hơn 72% thôn, làng được công nhận làng văn hóa; 98% hộ đạt gia đình văn hóa; hơn 40% đường giao thông nông thôn được đúc bê tông phẳng phiu; gần 90% thôn, làng được sử dụng điện lưới quốc gia; 90% thôn, làng có công trình nước sinh hoạt. Gần 74% phòng học được xây dựng kiên cố, không còn phòng học tạm, học nhờ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Mạng lưới y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, với 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố, 7/7 xã có bác sĩ, 100% làng ĐBDTTS có cán bộ y tế...
HẠNH PHÚC