Thực hiện Dự án JICA 2: Góp phần quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn
Ông Nguyễn Rê.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tích cực thực hiện Dự án (DA) Phục hồi và quản lý rừng bền vững (do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA hỗ trợ vốn vay ODA - gọi tắt là DA JICA 2). PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Rê, Phó Giám đốc Ban quản lý (BQL) DA JICA 2 (thuộc Sở NN&PTNT) về kết quả thực hiện DA này.
* Xin ông cho biết kết quả thực hiện DA JICA 2 trên địa bàn tỉnh ta đến thời điểm hiện nay?
- Tại tỉnh ta, DA được thực hiện trên địa bàn 9 xã của 5 huyện, gồm: Hoài Sơn (Hoài Nhơn); Bok Tới, Ân Nghĩa, Ân Sơn (Hoài Ân); Mỹ An, Mỹ Hiệp, Mỹ Phong (Phù Mỹ); Vĩnh An (Tây Sơn); Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh).
Diện tích rừng thực hiện thuộc lâm phận của 5 BQL Rừng phòng hộ: Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn và Vĩnh Thạnh. Tổng diện tích thực hiện DA là 8.239 ha. Trong đó, trồng rừng phòng hộ trên 2.101 ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 3.452 ha; bảo vệ rừng phòng hộ 2.686 ha; xây dựng đường ranh cản lửa 49,5 km, đường lâm nghiệp 39,7 km, 8 chòi canh lửa, 4 trạm bảo vệ rừng, 10 bảng thông tin tuyên truyền, 4 vườn ươm và 22,5 km đường giao thông nông thôn. Tổng vốn thực hiện DA gần 276 tỉ đồng, trong đó, vốn vay ODA Nhật Bản trên 234 tỉ đồng; vốn đối ứng của tỉnh gần 42 tỉ đồng.
Được sự chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên của Ban chỉ đạo DA tỉnh, Sở NN&PTNT và các địa phương, sự tích cực tham gia của người dân vùng hưởng lợi nên DA được triển khai nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, do quỹ đất trồng rừng được quy hoạch để thực hiện DA từ năm 2008 nhưng đến năm 2015 mới triển khai, vì vậy diễn biến đất rừng có nhiều thay đổi, trạng thái thực bì để trồng rừng từ Ia, Ib đã tái sinh, sinh trưởng thành rừng IIa, IIb. Mặt khác, trong thời gian chờ DA triển khai, nhiều hộ dân sống gần rừng đã lấn chiếm diện tích đất trống để sản xuất nông nghiệp, trồng rừng kinh tế nên việc thu hồi đất để thực hiện DA gặp rất nhiều khó khăn.
Đến thời điểm này, DA đã hỗ trợ trồng và chăm sóc rừng năm thứ nhất trên 1.177 ha/2.101 ha, đạt trên 56% kế hoạch. Quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên 2.686 ha/2.686 ha, đạt 100%. Khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 3.452 ha/3.452 ha, đạt 100%. Hỗ trợ kinh phí xây dựng đường bê tông nông thôn gần 10 km/22,5 km, đạt 44,3%. Xây dựng đường lâm nghiệp 36,88 km/39,7 km, đạt gần 93%. Xây dựng đường ranh cản lửa 28,6 km/49,5 km, đạt 57,8%. Nâng cấp 4 vườn ươm cây lâm nghiệp. Xây dựng 10 bảng thông tin tuyên truyền; 8 chòi canh lửa, 4 trạm quản lý - bảo vệ rừng...
Một khu rừng tự nhiên trên địa bàn xã Vĩnh Kim được DA JICA 2 hỗ trợ kinh phí quản lý, bảo vệ Ảnh: NGUYỄN HÂN
* Qua thực hiện, DA JICA 2 đã mang lại những hiệu quả gì đối với người dân?
Việc thực hiện DA đã góp phần phát triển KT-XH, tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học đối với các khu rừng tự nhiên.
- Với mục tiêu chung của DA là quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ; phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học; xóa đói giảm nghèo ở khu vực miền núi; hỗ trợ cải thiện sinh kế cho người dân các xã vùng DA, trong quá trình thực hiện, DA không những giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn và còn hỗ trợ để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tại các địa bàn khó khăn, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Qua đó, DA đã góp phần giải quyết việc làm cho người dân trong việc tham gia trồng, chăm sóc rừng trồng; xây dựng các mô hình kinh tế dưới tán rừng để tăng thu nhập. Việc thực hiện DA đã góp phần phát triển KT-XH, tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thủy, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học đối với các khu rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, thông qua hợp phần hỗ trợ sinh kế như: xây dựng đường giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
* Kế hoạch thực hiện DA trong năm 2016 như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, BQL DA đang tiến hành rà soát, đánh giá lại những kết quả đạt được của DA và xây dựng kế hoạch thực hiện trong năm 2016 để trình JICA phê duyệt. Theo kế hoạch, BQL DA sẽ tiếp tục triển khai các hợp phần của DA gồm trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao thu nhập của người dân; tiếp tục hỗ trợ xây dựng trên 10 km đường giao thông nông thôn tại các địa phương tham gia DA…
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)
DA JICA 2 nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản trên lĩnh vực phát triển ngành lâm nghiệp. Thời gian thực hiện DA kéo dài từ năm 2012 - 2020.
DA tài trợ thông qua hình thức cho vay vốn ODA ưu đãi để thực hiện trồng, khoanh nuôi, chăm sóc rừng phòng hộ, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã miền núi khó khăn, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
DA JICA 2 được thực hiện tại 11 tỉnh của khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, với tổng vốn đầu tư 9.534 triệu yên Nhật, tương đương 2.577 tỉ đồng, bao gồm: vốn vay ODA Nhật Bản 7.703 triệu yên Nhật, tương đương 2.081,63 tỉ đồng; vốn đối ứng 495,454 tỉ đồng, tương đương 1.831 triệu yên Nhật.