Những cuốn sách của tuổi thơ
Con gái tôi đang học lớp 7. Nó bị cận nặng, nhưng vẫn mê đọc sách. Không những thế, nó còn mê chơi game, mê vi tính và ghiền ti vi. Ban đầu tôi phải dụ nó bằng những quyển sách đã được chuyển thể thành phim, hay những quyển của Nguyễn Nhật Ánh đang rất hot trên thị trường. Sau đó là những quyển sách trong tủ sách gia đình mà tôi đã cóp nhặt từ hồi bằng tuổi nó. Sách này phần lớn đều đã cũ mèm, giấy đen, mực nhòe bao nhiêu bút tích với ngày tháng, địa điểm mà chúng được mua. Giờ cầm lên, lòng tôi cứ nao nao như được gặp lại những người bạn cũ, gặp lại những nhân vật từng một thời mê đắm, sẻ chia.
Những chị Sứ trong “Hòn Đất”, hay “Đứa con của đất” của Anh Đức, chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi, rồi “Gia đình má Bảy” của Phan Tứ, thằng Cù Lao và Cục trong “Tảng sáng” và “Quê nội” của Võ Quảng, và những người bạn trong “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” của Phạm Thắng, rồi “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi… Lớn lên một chút là những tác phẩm của Nguyễn Đình Thi, Hữu Mai, Nguyễn Khải, Chu Văn, Đào Vũ, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Sáng, Hồ Phương và rất nhiều những tác giả - tác phẩm khác nữa. Cả một mạch dài văn học chống Pháp, chống Mỹ đã hằn sâu trong ký ức tuổi thơ tôi.
Có những quyển sách, những nhân vật giờ hồi tưởng lại, tôi còn nhớ như in mình đã “gặp” ở đâu, địa điểm nào trên cánh đồng làng, hay trên bộ phản ngựa trong những đêm với mụi đèn dầu ngoáy đen cả mũi. Những cuốn sách ấy đã gắn liền với tuổi thơ tôi và trở thành tài sản theo suốt cuộc hành trình mà đến giờ tôi vẫn chưa dứt.
Hồi ấy tôi đặc biệt mê giọng văn kể chuyện của Võ Quảng, Tô Hoài… hay những truyện chiến đấu của Anh Đức, Phan Tứ, Nguyễn Thi. Mê đến nỗi đọc xong, mong lớn lên sẽ được làm chiến sĩ xông pha chiến trường đánh giặc giữ nước; và thường cứ đọc xong cuốn sách nào hay, tôi lại viết một bài thơ tâm sự với những nhân vật mà mình yêu quý.
Đặc biệt văn học thời ấy phần lớn đều lấy bối cảnh từ nông thôn với những con người, vùng đất, làng quê, phong tục… mang đậm dấu ấn của người nông dân Việt Nam. Và có lẽ chính điều ấy đã góp phần vun đắp thêm tình yêu làng quê trong từng trang viết của tôi.
Bây giờ, lút đầu với công việc, với đam mê, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn lôi những cuốn sách cũ ra đọc lại; và cả những cuốn hồi ký, bút ký mới xuất bản viết về hai cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc. Những vẻ đẹp dân dã, mộc mạc của làng quê, những bi thương mất mát của quê hương, những tấm gương anh hùng trong chiến tranh mãi mãi là cầu nối lịch sử hào hùng của dân tộc đến với thế hệ chúng tôi, thế hệ con gái tôi và bao nhiêu lớp người trẻ tuổi nữa. Văn học chống Pháp, chống Mỹ đã thực sự chuyển tải được điều đó.
MAI THÌN