Formosa nhập hóa chất cực độc súc xả đường ống
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết trong quá trình kiểm tra, Tổng cục Môi trường xác định Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh) có vi phạm khi thực hiện việc súc xả đường ống nhưng không thông báo cho địa phương.
Danh sách 45 loại hóa chất Formosa nhập về để xử lý chất thải, súc rửa đường ống - Ảnh: chụp tài liệu
Formosa nhập nhiều hóa chất cực độc
Sau khi có được danh sách 45 loại hóa chất mà Formosa nhập để súc rửa đường ống, Tuổi Trẻ đã gửi đến một số nhà khoa học để tham khảo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Lê Huy Bá (chuyên gia độc học môi trường) cho biết nhận định ban đầu của ông về danh sách các loại hóa chất được sử dụng tại Formosa gồm nhiều chất độc và cực độc. Trong đó có các chất chống gỉ, chất làm sạch bề mặt kim loại, chất tẩy... (Q.T.)
Đây là đường ống ngầm có chức năng dẫn nguồn chất thải đã qua xử lý ra biển. Formosa vi phạm gì trong quá trình súc xả đường ống?
Không thông báo vì... không biết!
Theo quy định, khi súc xả đường ống, Formosa có trách nhiệm phải thông báo cho địa phương việc súc xả đường ống diễn ra từ thời điểm nào tới thời điểm nào nhưng Formosa không thông báo, cũng không báo cáo các cơ quan ở địa phương về việc súc rửa đường ống.
Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) quy định điều này khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do Formosa trình.
Vậy Formosa giải thích thế nào với cơ quan chức năng về việc súc rửa đường ống không thông báo cho địa phương? Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết: “Chúng tôi có hỏi nhưng họ (Formosa - PV) nói không biết có quy định này”.
Vậy nguồn nước thải súc rửa đường ống đó đi đâu? Nguồn tin này cho hay: theo giải thích của Formosa thì nguồn nước thải này “thực hiện theo quy trình khép kín, sau đó đưa vào tái tuần hoàn trong quá trình xử lý nước thải”, rồi được lấy lại và đưa vào khu xử lý nước thải công nghiệp.
Làm sao biết chắc chắn nước thải súc rửa được đưa vào hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường? Theo nguồn tin này, trong quá trình kiểm tra phía Formosa đã cung cấp các báo cáo từ hệ thống quan trắc tự động.
“Nếu nước thải không đạt tiêu chuẩn thì hệ thống quan trắc tự động báo ngay, nhưng từ số liệu báo cáo qua quan trắc tự động thì các thông số thể hiện chất lượng nước thải đều đạt tiêu chuẩn” - vị này cho hay.
Đường ống được cấp phép, không phải bí mật
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc Bộ TN-MT chấp thuận cho Formosa làm đường ống ngầm đưa nước thải sau xử lý ra biển, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân cho biết năm 2014 Formosa có văn bản đề nghị được xây dựng đường ống xả nước làm mát ra vịnh Sơn Dương, ống có đường kính 1,2m, chiều dài 1,3km, nằm cách mặt biển 12m.
“Việc xây dựng đường ống này đã được Bộ TN-MT chấp thuận từ năm 2014. Đường ống đó được xả thải hợp pháp. Nguồn nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn VN được xả qua hệ thống đường ống này” - ông Nhân nói.
Về việc cho phép Formosa xả thải, ông Hoàng Văn Bảy - cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - xác nhận: “Giấy phép xả thải cấp cuối năm ngoái là giấy phép có điều kiện. Tức là phải đảm bảo các thông số, nồng độ bao nhiêu trước khi xả ra. Đương nhiên nước thải xả ra phải đạt các điều kiện” - ông Bảy nói. Theo ông, tại thời điểm cấp phép xả thải thì chất lượng nước thải của Formosa đạt tiêu chuẩn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về môi trường tại Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh những lần trước đây, ông Hoàng Dương Tùng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết tổng cục đã kiểm tra tại Formosa một số lần, tiến hành ba tháng một lần.
“Năm 2015 kiểm tra đủ cả các lần và mẫu nước thải của Formosa đều đạt chuẩn”- ông Tùng cho hay.
Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, trước hiện tượng cá chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh, bộ trưởng Bộ TN-MT đã chỉ đạo phải khẩn trương tìm ra nguyên nhân.
“Đoàn kiểm tra của bộ đang làm việc rất khẩn trương. Tuy nhiên với những thông tin đường ống ngầm đã được nêu, phải khẳng định đây là đường ống được cho phép chứ không phải đường ống ngầm bí mật” - ông Nhân nói.
Theo TTO
Bộ NN&PTNT khẳng định cá chết do yếu tố độc nhưng là độc gì, do đâu thì “phải cần thời gian mới làm rõ nguyên nhân”.
Chiều 23,4 tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT chủ trì cuộc họp mổ xẻ về tình trạng cá chết hàng loạt vừa qua ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
Bộ này khẳng định cá chết do yếu tố độc nhưng là độc gì, do đâu thì “phải cần thời gian mới làm rõ nguyên nhân”.
Đại diện các tỉnh đều cho rằng: tình trạng cá chết nhanh, tức thời chứng tỏ yếu tố độc tố trong môi trường nước là nguyên nhân chính.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Dung - vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc Tổng cục Thủy sản, cần phải tập trung điều tra vào các nhóm độc tố là độc sinh học (tảo) và độc vô cơ (hóa chất).
Còn ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh - cho rằng độc tố khiến cá chết hàng loạt do con người gây ra.
Ông Lê Trần Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, đưa ra câu hỏi tại sao cá chết hàng loạt lại xuất phát đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh mà không ở tỉnh khác? Ông Long - chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản - đưa ra một thông tin: trong tự nhiên có một dòng chảy sát bờ theo hướng từ Hà Tĩnh - Thừa Thiên - Huế; hướng đối lưu về phía khơi xa là dòng chảy từ Huế đến vịnh Bắc bộ. “Nếu độc tố xuất hiện trong các dòng chảy này thì tình hình sẽ còn phức tạp” - chuyên gia này nói.
Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, người chủ trì cuộc họp - thừa nhận cá chết ở các tỉnh miền Trung là một hiện tượng bất thường, lần đầu xuất hiện nhưng lại diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân.
“Tôi khẳng định đây là vấn đề mới và khó. Đến nay chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân chính xác, cần phải có thời gian làm rõ” - ông Tám nói.
Tuy chưa chỉ ra được nguyên nhân cá chết nhưng theo ông Vũ Văn Tám, Bộ NN&PTNT “đã làm hết trách nhiệm” nhờ bộ đã loại bỏ nguyên nhân cá chết do yếu tố dịch bệnh, môi trường.
Theo ông, bây giờ điều cần làm rõ là chất độc nào làm cá chết: độc tố do tảo độc sinh học hay độc tố hóa học, các yếu tố kim loại nặng khác.
Trả lời báo Tuổi Trẻ về việc “đã làm hết trách nhiệm nhưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân cá chết, như vậy đánh giá như thế nào về năng lực quản lý, chuyên môn của bộ thông qua việc cử các đoàn chuyên gia được biệt phái khảo sát về tình trạng này?”, ông Vũ Văn Tám cho rằng: “Chúng tôi đã đưa ra được nguyên nhân ban đầu cá chết không có tác nhân của dịch bệnh, cá chết do có yếu tố độc trong môi trường nước”. Vậy “yếu tố độc đó là gì?”, ông Tám nói: “Cái này cần có thời gian nghiên cứu, khi đủ căn cứ sẽ công bố”.